(SGGPO).- Sáng nay, 24-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - người điều hành phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ tập trung trả lời một vấn đề: Nâng cao chất lượng Giáo dục - Đào tạo, đáp ứng chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền Giáo dục - Đào tạo như tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng. Đặc biệt Bộ Giáo dục - Đào tạo cần chỉ ra những giải pháp cụ thể cải thiện chất lượng giáo dục, tạo sự thay đổi ngay trong năm 2012.
Các chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chủ yếu xoay quanh chất lượng giáo dục đại học, dạy thêm-học thêm, lạm thu trong trường học, chất lượng giáo dục trung học phổ thông.
- Giáo dục đại học: Nhiều yếu kém
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) hỏi: Bộ trưởng nói đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh, số trường đại học thành lập mới đã giảm, thế nhưng vẫn còn rất nhiều trường khó tuyển sinh trong khi học sinh đổ xô đi học nước ngoài.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu thực trạng phần lớn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đều vào đại học (nếu không chính quy thì dân lập, đào tạo từ xa).
Số sinh viên ra trường khá giỏi chiếm tỷ lệ rất cao, nhưng thực tế chất lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng thấp, nhiều đại học cung cấp “hàng kém chất lượng” cho xã hội? Giải pháp nào để cải thiện thực trạng này ngay trong năm học tới?”, đại biểu Lê Nam phát biểu.
Trả lời xoay quanh vấn đề giáo dục đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định số trường đại học thành lập đã giảm dần trong mấy năm gần đây. Chưa có trường đại học nào được mở ngoài quy hoạch. Nếu theo quy hoạch, vẫn chưa đủ trường, nhưng lại thừa các trường yếu kém. Chính phủ đã chỉ đạo rà soát để tính toán, điều chỉnh quy hoạch, củng cố các trường yếu kém. Nếu không củng cố được thì dừng tuyển sinh, giải thể.
Lý giải về việc nhiều trường đại học không tuyển đủ chỉ tiêu, Bộ trưởng cho rằng tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, chủ yếu các trường mới thành lập. Nguyên nhân là do một số ngành học tuy nhu cầu của xã hội có nhưng đầu ra khó khăn (việc làm, chế độ) nên thí sinh không thích học (như sư phạm, nông lâm, khoa học cơ bản, khoa học xã hội). Một số trường mới thành lập không thực hiện đúng điều kiện cam kết thành lập trường (thiếu giáo viên, cơ sở vật chất kém) nên học sinh cũng không vào.
Ngoài ra, trên cùng địa bàn nhưng các trường mở ngành giống nhau nên bị phân tán thí sinh. Mặt khác, sau khi bắt buộc phải thực hiện công khai về điều kiện đào tạo nên thí sinh chỉ lựa chọn những trường đào tạo có chất lượng, các trường không bảo đảm điều kiện đào tạo bị thí sinh từ chối.
“Khi không tuyển đủ, các trường đề nghị Bộ hạ điểm sàn nhưng Bộ kiên quyết không hạ để bảo đảm chất lượng tối thiểu đầu vào”, Bộ trưởng cho biết.
Về việc ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đi học nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng điều này đã có từ lâu. Càng hội nhập, điều kiện của người dân càng cao thì nhu cầu đi học càng lớn là dấu hiệu của thành quả đổi mới. Ngược lại, nhiều sinh viên nước ngoài cũng đến Việt Nam học.
Về các giải pháp nâng cao chất lượng đại học, Bộ trưởng cho hay hiện đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các trường đại học mới thành lập, trước mắt là các trường mới thành lập 10 năm trở lại đây, từ đó củng cố, nâng cao chất lượng của các trường. “Năm rồi Bộ đã kiểm tra 5 trường thì thấy có rất nhiều bất cập, từ nay đến hết năm 2011 Bộ sẽ kiểm tra 20 trường nữa. Sẽ không có tăng nóng chỉ tiêu tuyển sinh như trước, đồng thời bảo đảm điều kiện đào tạo của các trường để nâng cao chất lượng, nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu. Sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh phi chính quy. Tăng cường đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ, liên kết với các trường cùng hệ thống để hỗ trợ đào tạo lẫn nhau” - Bộ trưởng hứa. Bên cạnh đó, gắn đào tạo theo nhu cầu, không để trường tự đào tạo theo năng lực.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn: Bộ nói kiểm tra nhiều trường không bảo đảm chất lượng, tại sao vẫn cho đào tạo, trách nhiệm của ai? Bộ trưởng nói “Hiện chưa phát hiện cơ quan quản lý nào sai phạm nên chưa có xử lý. Nhưng có những sai sót trong kiểm tra, đoàn kiểm tra xuống thì trường dẫn đến một cơ sở khác.
"Bộ sẽ kiểm tra lại và xin rút kinh nghiệm trong quá trình thanh tra sau này”, Bộ trưởng nói.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đều chất vấn về chất lượng giáo dục đại học ngoài công lập, dẫn đến sự phân biệt đối xử như vừa qua ở một số địa phương.
“Bộ Giáo dục - Đào tạo không có sự phân biệt giữa các loại hình đào tạo đại học nhưng việc một số địa phương không công nhận bằng do đại học ngoài công lập cấp là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với ngành. Cùng với nâng cao chất lượng thì phải thay đổi phương thức tuyển dụng một cách thực chất”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về các lớp tại chức được mở tràn lan, thiếu chất lượng, Bộ trưởng nói: “Hệ tại chức bản thân nó không có lỗi. Nhiều lãnh đạo, Giáo sư cũng trưởng thành từ tự học. Lỗi là do công tác quản lý còn yếu kém, tâm lý chạy theo bằng cấp. Bộ sẽ chấn chỉnh các lệch lạc, yếu kém”.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) và một số đại biểu hỏi mặt bằng giáo dục đại học của Việt Nam thấp so với nhiều nước. Bộ trưởng có ý tưởng gì để đột phá? Tới đây tái cấu trúc giáo dục theo hướng nào?
“Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đúng là còn thấp, khiếm khuyết, đòi hỏi có những giải pháp. Tái cấu trúc sẽ giáo dục – đào tạo theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục – đào tạo cả về đội ngũ, chương trình. Hiện Bộ Giáo dục – Đào tạo đã thảo luận, nghiên cứu, phối hợp thành lập các nhóm nghiên cứu về các nội dung đổi mới để trình Trung ương. Các đề án về đổi mới sách giáo khoa, trường sư phạm cũng đang được triển khai”, Bộ trưởng đáp.
- Nghi ngờ chất lượng giáo dục phổ thông
Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) chất vấn về tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cao ngất ngưởng, vừa qua, có hàng trăm trường có học sinh tốt nghiệp 100%, trong khi môn Sử thì kết quả quá thấp với hàng ngàn điểm O.
Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết bản thân ngành giáo dục cũng nhận thấy kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông quá cao là có vấn đề.
“Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra sự bất thường này. Tuy nhiên qua kiểm tra các địa phương thì kết quả năm 2011 về cơ bản là phù hợp với tính chất đề thi, với tinh thần thi đua dạy và học tốt. Với đề điểm Sử thấp, khi nhận ý kiến về đề thi, Bộ cho kiểm tra lại và sẽ thay đổi cách dạy, cách học trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.
Không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Minh Diệu chất vấn tiếp: Tôi thông cảm với ngành vì khó. “Nhưng thật khó chấp nhận kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao như vừa qua, nhất là giáo dục thường xuyên nhiều nơi cũng đỗ 100%. Hay điểm Sử thấp vì đâu? Học sinh học sử không đến nỗi, học sinh giỏi quốc gia môn Sử không ít. Nhưng có nhiều học sinh học Sử giỏi nhưng thi đại học vẫn điểm kém, phải chăng do đề thi-đáp án môn Sử có vấn đề, xa rời thực tiễn?”.
“Xin ghi nhận ý kiến của đại biểu”, Bộ trưởng đáp.
- Giáo dục mầm non: Thiếu công bằng
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng bậc học mầm non hiện nay còn nhiều khó khăn, nhất là thu nhập của giáo viên rất thấp, rất thiếu công bằng. Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) dẫn chứng từ 2008 đến nay, giáo viên mầm non vẫn chưa được hưởng chế độ tăng phụ cấp theo quy định của Thủ tướng. “Đại biểu đã chất vấn, nhưng qua một năm, Bộ Giáo dục – Đào tạo vẫn chưa giải quyết xong. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?”, đại biểu Long chất vấn.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận đã tiến hành phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, còn mầm non thì chưa. “Chúng tôi có thiếu sót là nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của bậc học này, nên giờ mới tiến hành phổ cập mầm non 5 tuổi. Lương của giáo viên mầm non cũng thấp hơn”, ông Luận thừa nhận.
"Tới đây sẽ có nhiều chính sách đối với với bậc học này, trong đó có việc hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế. Chúng tôi xin nhận khuyết điểm vì vẫn chưa thực hiện được yêu cầu chất vấn. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ liên quan ra chính sách hỗ trợ một lần đối với đối tượng này, xin hứa năm 2012 sẽ giải quyết xong”, Bộ trưởng trả lời.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải thực hiện xong việc này trong năm tới.
“Thang bậc lương của giáo viên hiện nay đúng là chưa bảo đảm cuộc sống, nhất là mầm non, tiểu học. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đề xuất Bộ Nội vụ, Bộ Lao động thương binh và xã hội xem xét vấn đề tiền lương vào đề án cải cách tiền lương sắp tới”, ông Luận nói thêm.
Đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) cho rằng điều lệ mầm non quy định nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên nhưng rất ít trường thực hiện, gây khó khăn rất lớn cho công nhân khu công nghiệp. “Giáo viên mầm non công lập vừa phải giảng dạy, vừa phải lao động phục vụ các cháu vì chức danh bảo mẫu hiện nay không còn?”, đại biểu Ánh hỏi.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, điều lệ quy định như vậy nhưng thực tế có nhiều khó khăn. Hiện chưa đủ trường mầm non, kể cả lớp 4, 5 tuổi. “Tôi biết điều đó. Nhưng theo phân cấp giáo dục mầm non thuộc trách nhiệm của tỉnh. Bộ Giáo dục – Đào tạo chịu trách nhiệm phổ cập 5 tuổi. Đối với lứa tuổi từ 3 tháng đến 1,5 tuổi, Bộ đang đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, thành lập các nhóm trẻ, ban hành chế độ cho cô giáo, bảo mẫu mầm non, khuyến khích doanh nghiệp cùng xây dựng nhà trẻ mầm non”, ông Luận nói. Về chức danh bảo mẫu, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ thảo luận với Bộ Nội vụ xem xét.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ: Cách điều hành ngày đầu tiên của ông được một số đại biểu góp ý là cắt ngắn phần hỏi - đáp. Ông yêu cầu đại biểu hỏi ngắn gọn, thẳng vào vấn đề. Sáng nay, có 39 đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo. Theo kế hoạch, Bộ trưởng chỉ trả lời đến 10h30 phút, nhưng do Giáo dục - Đào tạo là lĩnh vực được quan tâm nên Chủ tọa đã xin Quốc hội kéo dài đến 11h trưa. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá buổi chất vấn phong phú, thẳng thắng, sôi nổi. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng Luận khá dài, chủ yếu nêu thực trạng, nguyên nhân mà không đưa ra giải pháp cụ thể. Phần trả lời của Bộ trưởng thường xuyên bị Chủ tịch yêu cầu đi thẳng vào trọng tâm, không vòng vo. “Bộ trưởng phải khẳng định thì mới tìm ra nguyên nhân được, từ đó mới tiến hành đổi mới toàn diện nền giáo dục được”, Chủ tịch Quốc hội nhắc. Chủ tọa luôn phải nhắc lại tinh thần câu hỏi của đại biểu và đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng câu hỏi của đại biểu. Nhiều câu hỏi Bộ trưởng đã trả lời nhưng lại bị chủ tọa yêu cầu trả lời lại, tuy vậy, trả lời của Bộ trưởng vẫn chưa làm hài lòng đại biểu Quốc hội. |
PHAN THẢO