Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: Ủng hộ đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân yên tâm bám biển

Liên quan đến đề xuất sử dụng khoản tiền 35.000 tỷ đồng mà ngành Giao thông Vận tải “tiết kiệm” được do tái cơ cấu đầu tư để đóng tàu cá bền vững, cho ngư dân thuê lại để họ yên tâm hành nghề biển, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, ông “hoàn toàn ủng hộ mọi quyết sách giúp cho ngư dân vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa yên tâm bám biển, ổn định sản xuất”.

Liên quan đến đề xuất sử dụng khoản tiền 35.000 tỷ đồng mà ngành Giao thông Vận tải “tiết kiệm” được do tái cơ cấu đầu tư để đóng tàu cá bền vững, cho ngư dân thuê lại để họ yên tâm hành nghề biển, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, ông “hoàn toàn ủng hộ mọi quyết sách giúp cho ngư dân vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa yên tâm bám biển, ổn định sản xuất”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng giải thích thêm: “Thẩm quyền quyết định việc này thuộc về Quốc hội và Chính phủ. Khoản tiền nói trên không phải là Bộ đã giữ trong tay, mà là do điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh thiết kế, cắt giảm tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chưa triển khai… Phần tiền này chưa được bố trí và vẫn ở trong “túi ngân sách”. Chủ trương của Đảng, Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế biển đã rất rõ, Bộ Giao thông Vận tải là một trong những đơn vị thực hiện và chúng tôi đang nỗ lực triển khai, trong đó có cả việc đóng mới tàu cá vỏ sắt chắc chắn, bền vững để thay thế dần đội tàu vỏ gỗ hiện nay – vừa không bền, vừa làm cạn kiệt nguồn gỗ. Tất cả các đơn vị có năng lực, có sở trường đóng tàu, kể cả khối quốc doanh và tư doanh đều có thể tham gia và rất nên tham gia”. 

Liên quan đến việc triển khai các dự án giao thông quy mô lớn có vốn vay từ Trung Quốc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, chúng ta đã có nhiều phương án dự phòng trong trường hợp xấu nhất là phía Trung Quốc không tiếp tục cho vay vốn, bảo đảm dự án vẫn triển khai đúng tiến độ.
“Khi mới xảy ra sự kiện trên Biển Đông vào đầu tháng 5 vừa qua, lúc đầu nhiều nhà thầu Trung Quốc cũng có chút băn khoăn, lo lắng, nhưng bây giờ đã trở lại hoạt động bình thường vì họ nhận thức được rằng, nếu dừng dự án thì chính họ cũng bị thiệt hại. Mọi việc đã trở lại bình thường sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức tạo mọi điều kiện tốt nhất, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho tất cả nhà thầu nước ngoài, trong đó có nhà thầu Trung Quốc, để tiếp tục triển khai dự án mà họ đã trúng thầu”, Bộ trưởng khẳng định.

Bác bỏ nghi vấn tiêu cực trong việc thẩm định và lựa chọn khá nhiều nhà thầu Trung Quốc thời gian qua, ông Đinh La Thăng cho hay, việc lựa chọn nhà thầu phải theo đúng quy định của pháp luật, trong đó đầu tiên là phải xác định được năng lực của các nhà thầu, sau đó mới tiến hành đấu thầu; giá thấp thì trúng.

Người đứng đầu ngành giao thông nói: “Hiện chúng ta vẫn đang bị chi phối bởi yếu tố giá thấp thì đương nhiên nhà thầu nào giá thấp thì sẽ trúng thầu. Các nhà thầu Trung Quốc thường thắng thầu vì luôn có giá thấp hơn. Đội vốn công trình cũng có nhiều lý do. Một dự án muốn thực hiện hoàn thành đúng tiến độ thì phải có vốn, mặt bằng và năng lực của các tổ chức tham gia làm công trình đó phải tốt. Tuy nhiên thời gian qua có những dự án các yếu tố đó đều chưa tốt dẫn đến vượt tổng mức đầu tư. Mà chậm tiến độ thì có cả nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng, hoặc là trong quá trình khảo sát thiết kế ban đầu không kỹ cũng dẫn đến tăng vốn. Chính vì thế, chúng ta vừa phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, vừa phải nâng cao năng lực thực thi”.

ANH THƯ ghi

Tin cùng chuyên mục