Theo chương trình kỳ họp Quốc hội, ngày 29-10 tới, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Như vậy, thay vì dự kiến thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án này, nay Quốc hội chỉ nghe Chính phủ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án và thảo luận mà chưa thông qua nghị quyết. Ngày 21-10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh) trao đổi về vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, còn quá nhiều nghi ngại từ cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội về dự án này?
* Bộ trưởng ĐINH LA THĂNG: Đúng là trình tờ trình này thì không thuận lợi, vì hiện nay Quốc hội đang bàn nhiều về nợ công. Dù Chính phủ báo cáo nợ công đang trong tầm kiểm soát, an toàn nhưng nợ công đang tăng nhanh, khả năng trả nợ không cao. Vì vậy, dù dự án này cần thiết nhưng việc đầu tư những dự án lớn, dài hạn càng phải tính toán một cách thận trọng. Đó là lý do mà kỳ này Quốc hội sẽ chỉ xem xét, cho ý kiến. Sau đó nếu Quốc hội đồng thuận thì Chính phủ sẽ hoàn thiện báo cáo, kỳ sau Chính phủ mới trình Quốc hội lại.
Kể cả lần này Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì phải tiếp tục làm báo cáo khả thi và dự án báo cáo khả thi tiếp tục trình Quốc hội lần nữa, lúc đó Quốc hội mới quyết định là có làm hay không làm.
* Có nhất thiết phải xây dựng sân bay Long Thành ngay không, thưa Bộ trưởng?
* Đến năm 2025 - 2030, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, buộc phải có sân bay mới. Chúng tôi đã tính toán rất kỹ càng, từ việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Liên Khương và thấy xây dựng sân bay Long Thành là hợp lý hơn cả. Nhưng vấn đề là tiền đâu? Giai đoạn 1 cần khoảng 7,8 tỷ USD. Trong đó, ngân sách nhà nước chi 24.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% tổng mức đầu tư (dùng để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ khu tái định cư, xây các trụ sở hải quan, thuế…). Còn lại dự kiến là nguồn từ ODA và đối tác công tư. Trong đó vay 47.000 tỷ đồng ODA (Chính phủ vay và cho doanh nghiệp vay lại). Thực tế cách làm vay ODA này đã làm với sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Cùng với đó là vốn của các doanh nghiệp đầu tư để thu lợi từ các hạng mục của sân bay.
* Dự án này sẽ tác động lên nợ công như thế nào?
* Dự án này sẽ tác động lên nợ công khoảng 0,092%, vì 24.000 tỷ đồng chia trong vòng 5 năm, mỗi năm khoảng 5.000 tỷ đồng. Còn với khoản nợ vay ODA thì do doanh nghiệp vay trực tiếp, trả nợ trưc tiếp, Chính phủ bảo lãnh.. Nhưng rõ ràng khi nợ công đã ở mức phải kiểm soát thì 0,01% cũng là tác động, bởi nhiều cái 0,01% dồn lại nó sẽ thành 1, rồi sẽ thành 10, cho nên đã đến mức phải kiểm soát thì nhỏ cũng phải tính đến.
Hiện nay dư luận xã hội yêu cầu là phải chính xác nguồn vốn thế nào, đây là đòi hỏi chính đáng nhưng rất tiếc có những cái không thể trả lời, giải đáp ngay được những vấn đề mà Quốc hội và nhân dân cần. Vì nó nằm trong giai đoạn báo cáo khả thi. Muốn làm được thì phải có khảo sát, thiết kế, nhưng giờ Quốc hội chưa phê duyệt chủ trương thì chưa thể làm báo cáo khả thi được. Quy định là phải xin chủ trương trước. Nếu Quốc hội thông qua thì Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp để thực hiện các bước tiếp theo.
* Có ý kiến đặt vấn đề, nếu với nguồn vốn đó sao không làm đường bộ cao tốc sẽ có tác động lan tỏa nhanh hơn, đối với sự phát triển chung của cả nước?
* Sân bay rất cần cho sự phát triển. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất không thể mở rộng được. Dù sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay còn nhiều diện tích, nhưng theo quy định vẫn phải để đất trống trong sân bay cho việc an toàn bay. Ngoài ra, nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì cần tới 9 tỷ USD để giải tỏa, lại phải tái định cư khoảng 500.000 dân xung quanh khu vực sân bay. Rất tốn kém. Mà kể cả làm được điều này thì cũng không thể có đường vào sân bay Tân Sơn Nhất. Thực ra từ sau giải phóng chúng ta chưa xây dựng sân bay nào mới, đều là các sân bay cũ, nhiều sân bay của quân đội. Chúng ta mới chỉ duy nhất đầu tư sân bay Phú Quốc. Rất cần phải xây dựng một sân bay lớn cho tương lai.
* Nhiều đại biểu cho rằng, sân bay Long Thành cần nhưng chưa phải là lúc này, nhất là khi đất nước đang khó khăn?
* Như tôi đã nói, đến năm 2025 - 2030, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, buộc phải có sân bay mới. Để năm 2025 có sân bay Long Thành phục vụ nhu cầu phát triển thì ngay từ bây giờ phải có chủ trương đầu tư xây dựng, rồi phê duyệt, xây dựng báo cáo khả thi. Chứ nếu để đến sau này mới có chủ trương thì chậm quá. Còn thời gian xây dựng sân bay chỉ mất 4 - 5 năm.
* Một số đại biểu lo nếu làm sân bay Long Thành thì sẽ “quên” đường bộ, đường sắt?
* Đầu tư một dự án cụ thể về giao thông phải xem xét trên tổng thể tái cơ cấu ngành giao thông và tái cơ cấu ngành cũng phải đặt trong tổng thể tái cơ cấu của cả ngành kinh tế. Nên khi tính toán đầu tư một dự án, đầu tư hàng không cũng phải gắn với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và ngược lại. Sau này kết nối sẽ như vậy.
Hạ tầng giao thông sẽ phải thực hiện đồng bộ. Từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, hàng không chỉ tập trung làm Long Thành; đường biển làm cảng Lạch Huyện; đường bộ làm cao tốc TPHCM - Cần Thơ, Ninh Bình - Vũng Áng Hà Tĩnh. Về đường sắt thì dự án đường sắt Bắc Nam không phải là sẽ chậm lại mà dự án đó cũng chưa báo cáo Quốc hội. Phía Nhật Bản đang giúp đỡ, nhưng cũng sẽ phải có sự phân kỳ, làm từng đoạn một.
* Trước nghi ngại của xã hội như vậy, vừa là một ĐBQH vừa là Bộ trưởng Bộ GTVT, ông sẽ lựa chọn thế nào?
* Không phải vì là Bộ trưởng Bộ GTVT nên tôi muốn dự án này triển khai bằng được. Bộ trưởng cũng là ĐBQH, khi quyết định vấn đề gì cũng phải thể hiện trách nhiệm trước nhân dân.
PHAN THẢO