(SGGPO).- Tại phiên họp của UBTVQH sáng 6-10, cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhiều ý kiến trong UBTVQH nhận định, những hạn chế nêu trong Tờ trình của Chính phủ chưa đủ là nguyên nhân để ban hành luật mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2009/NĐ-CP.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, mãi tới ngày 29-9-2016 Ủy ban Kinh tế mới nhận được hồ sơ trình dự án Luật do Chính phủ gửi đến, chậm 15 ngày so với quy định. “Thời gian trình quá gấp, một số nội dung trong Báo cáo thuyết minh, báo cáo đánh giá tác động lại không tương thích, nhất quán với nội dung của dự thảo Luật”, ông Thanh giải trình.
Vẫn theo người đứng đầu Ủy ban Kinh tế, trong Thường trực Ủy ban có ý kiến cho rằng, việc ban hành Luật thậm chí còn làm trầm trọng hơn các vấn đề do dự thảo Luật có nhiều quy định mang tính khuyến khích chung, khó thực hiện. Dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung các luật khác thì trong Tờ trình cần nêu rõ tại Điều 4 và giải trình liệu việc sửa đổi, bổ sung các quy định như thuế suất hoặc miễn giảm tiền sử dụng đất ngoài những quy định tại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Thuế… có bảo đảm tính nhất quán của luật pháp hay không. Bên cạnh đó cũng cần phân tích rõ khả năng các biện pháp hỗ trợ có vi phạm các quy định về chống trợ cấp của WTO, về chống bán phá giá của WTO và TPP.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ rõ, trong dự thảo Luật đang có một số quy định xung đột với các luật khác, như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng liên quan đến Luật các tổ chức tín dụng; về tài sản bảo đảm liên quan đến Bộ luật Dân sự; bố trí ngân sách hỗ trợ liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước; giảm mức thuế suất thuế TNDN liên quan đến Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp... Ông cũng lưu ý cơ quan soạn thảo về nhiều nội dung khác như miễn, giảm tiền thuê đất liên quan đến Luật Đất đai; hỗ trợ tham gia mua sắm công liên quan đến Luật Đấu thầu; xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường liên quan đến Luật Thương mại…
Chia sẻ quan điểm của Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: “Câu hỏi lớn nhất là quan hệ giữa luật này với các dự án luật khác, nhất là Luật Doanh nghiệp năm 2015, cũng như sự tương thích trong quy định của luật này với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo Chủ tịch Quốc hội, tác động của việc thi hành Luật này – khi được thông qua với những quy định như trong dự thảo - đối với kinh tế tài chính ngân sách cũng chưa được đánh giá toàn diện và thận trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: “Chúng ta đã thống kê đã có bao nhiêu chính sách hiện tại dành cho DNNVV chưa, tác động ra sao? UBTVQH không có thành viên nào là không muốn hỗ trợ DNNVV, nhưng việc sửa luật phải thận trọng, trong khi đó Bộ Tư pháp và nhiều bộ ngành khác vẫn chưa có sự đồng thuận cao. Nếu các chính sách hiện hành được triển khai đầy đủ thì có cần làm luật không hay chỉ cần sửa đổi, hoàn thiện nghị định (như quan điểm của Bộ Tư pháp). Ví dụ Luật Đất đai có tới 11 điểm quy định tạo điều kiện cho DN,trong đó có cả DNNVV được tiếp cận quỹ đất sạch, nhưng tôi chắc rằng gần như không DNNVV nào được vậy. Không phải chúng ta không có chính sách mà là tổ chức thực hiện chưa được”.
Các doanh nghiệp nhỏ rất cần vay vốn lãi suất thấp để mở rộng sản xuất. Ảnh: Cao Thăng
Lưu ý đến lĩnh vực hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Tôi chia sẻ với Chính phủ về việc phải chuẩn bị dự án luật rất gấp gáp, nhưng chỉ riêng trong lĩnh vực hình sự đã thấy có điểm chưa thuận. Cụ thể là về miễn trách nhiệm hình sự (Khoản 3 Điều 13, khoản 3 Điều 29 dự thảo). Theo thông lệ của nước ta và nhiều nước trên thế giới, việc loại trừ, miễn trách nhiệm hình sự… đều phải quy định trong luật về hình sự. Nay lại đưa vào đây, mà nội dung cũng chưa hợp lý”.
Đáp lại nhận xét thẳng thắn của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển về việc chậm trình dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại phiên họp của UBTVQH sáng 6-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng “cũng xin nói rất thẳng” (ảnh): “Công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Bộ chúng tôi xin nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trình dự án luật, nhưng trong quá tình xây dựng luật, các bộ, ngành liên quan hết sức thiếu trách nhiệm”.
Theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này đã thành lập ban soạn thảo, mời các bộ, ngành liên quan tham gia nhưng các bộ đều cử không đúng người tham dự, nay cử đồng chí này, mai cử đồng chí khác. “Tham dự các cuộc họp góp ý thì hầu hết người đại diện các bộ chỉ mang tính soi xem có ảnh hưởng gì tới bộ mình, liên quan đến mình hay không, chứ không mang tư tưởng. Thế nên dù ban soạn thảo đã rất công phu soạn thảo bản dự thảo nhưng rất ít ý kiến đóng góp. Thủ tướng, Chính phủ, Phó Thủ tướng đã phải họp rất nhiều cuộc mới ra được bản dự thảo cuối cùng trình lên Thường vụ Quốc hội hôm nay”, ông Nguyễn Chí Dũng giãi bày. Tuy vậy, theo Bộ trưởng Dũng, bản dự thảo luật vừa trình đã được sự thống nhất trong Chính phủ.
Cung cấp thêm thông tin, ông Dũng cho biết, theo số liệu mới nhất, cả nước hiện có 959 ngàn doanh nghiệp đăng ký và có 590 ngàn đang hoạt động.
Tha thiết xin phát biểu thêm sau đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh: “Nhiều nước đều có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng ta đã quá chậm, nếu luật này ban hành chậm ngày nào thì đất nước chúng ta thiệt thòi ngày đó”.
ANH PHƯƠNG