Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Thiếu trên 107.000 giáo viên và thừa gần 9.000 giáo viên ​ ​

Theo số liệu số liệu báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay trong toàn ngành giáo dục, từ mầm non đến phổ thông  vừa thiếu trên 107.000 giáo viên nhưng lại thừa gần 9.000 giáo viên.  
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Đủ thời gian để bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp

Chiều 30-10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề dạy học tích hợp trong chương trình GDPT mới.

Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết số 88/NQ-QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, sau đó là Nghị quyết 404 của Chính phủ đều yêu cầu chương trình GDPT phải tích hợp cao ở các cấp học dưới, phân hóa dần ở các cấp học trên. Đây là xu hướng phù hợp với các nước trên thế giới. Tích hợp kiến thức các môn khoa học gần nhau thành một môn tích hợp, đây là mức tích hợp cao nhất. Ở tiểu học, việc tích hợp như vậy tương đối nhiều. Ở THCS có 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý. Về môn Lịch sử và Địa lý, gồm 2 phân môn là Lịch sử và Địa lý, mỗi phân môn có tính hệ thống tương đối phù hợp với đặc trưng bộ môn; bên cạnh đó, nhiều kiến thức chung, do vậy cấu trúc thành 5 chủ đề, 5 chủ đề này bổ trợ nhau.

Về đội ngũ giáo viên các môn học ở THCS, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã có tính toán. Thứ nhất là môn tích hợp các cấu phần, giáo viên chuyên sâu môn nào sẽ dạy môn đó và có phối hợp với nhau. Thời gian áp dụng chương trình THCS theo lộ trình cuốn chiếu còn khoảng 6-7 năm nữa, nên quỹ thời gian đủ để bồi dưỡng giáo viên. Chương trình bồi dưỡng đang được Bộ GD-ĐT tiến hành. Bên cạnh đó, các giáo viên có điều kiện, nhu cầu sẽ học thêm các chuyên đề, học phần các môn khác để có thể dần từng bước có thể dạy 2 môn. Bộ đã có giải pháp đào tạo giáo viên có thể dạy được cả 3 môn trong những năm dài hơn, đây là kinh nghiệm các nước, xu hướng quốc tế. Về việc này, quỹ thời gian còn dài để chuẩn bị.

Về vấn đề giảm tải trong các môn tích hợp, theo Bộ trưởng, việc giảm tải không chỉ ở cấu trúc môn học mà giảm tải còn phụ thuộc vào cấu trúc chương trình và đổi mới phương pháp. Tuy nhiên, việc tích hợp cũng là một trong những yếu tố nhằm giảm tải khối lượng kiến thức cũng như áp lực hiện nay cho học sinh.

“Về cơ bản, chúng tôi đã tính đến phương án triển khai dạy học tích hợp và cho rằng có tính khả thi cao” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Thiếu trên 107.000 giáo viên và thừa gần 9.000 giáo viên

Trả lời chất vấn chiều 30-10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, ngày 11-10, Bộ Nội vụ đã có công văn 5068 gửi Chính phủ xin đề nghị bổ sung biên chế ngành giáo dục, trong đó trước mắt tập trung giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non cho 17 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Liên quan đến biên chế giáo viên, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, thực hiện tinh giảm biên chế theo Nghị quyết 39 và Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 là chủ trương rất lớn. Riêng ngành giáo dục có tỷ lệ người làm việc theo chế độ lao động nhiều nhất, gần 1 triệu giáo viên; hiện tồn tại thực trạng thừa thiếu cục bộ ở từng địa phương, cấp học, bậc học.

Theo số liệu số liệu báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay trong toàn ngành giáo dục, từ mầm non đến phổ thông thiếu trên 107.000 giáo viên và thừa gần 9.000 giáo viên. “Bộ Nội vụ đã tờ trình công văn số 4558, báo cáo về tổng số giáo viên và biên chế ngành y tế thiếu, đề nghị Chính phủ cho ý kiến xử lý”, ông Lê Vĩnh Tân cho biết.

Về lâu dài, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan rà soát lại số học sinh, giáo viên thực tế để giải quyết lực lượng giáo viên thừa thiếu cục bộ hiện nay. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện các nghị định quy định về cơ chế tự chủ với các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành giáo dục. Rà soát lại định mức đối với định mức giáo viên trên lớp, học sinh trên lớp; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu cho phù hợp; hoàn thiện lại đề án vị trí việc làm ở các đơn vị sự nghiệp công lập...

Tin cùng chuyên mục