Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Giảm tải bệnh viện, phải làm từng bước

Bên lề QH ngày 27-5, phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về vấn đề giảm tải bệnh viện - vốn rất được cử tri quan tâm.

- Phóng viên: Từ kỳ họp trước, người dân đã rất bức xúc về tình trạng quá tải ở bệnh viện, Bộ trưởng cũng đã trả lời chất vấn QH về vấn đề này. Từ đó đến nay, tình trạng này đã được giải quyết ra sao?

>> Bộ trưởng NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: Đã triển khai nhiều chứ. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã khắc phục đầu tư dàn trải, tập trung ngân sách để xây dựng nhiều cơ sở y tế. Ví dụ tại Hà Nội, đã xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện K ở Tân Triều; Bệnh viện Nội tiết cơ sở 2 ở Thanh Trì; mở rộng khoa khám bệnh tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai… Các cơ sở này đã tạo sự khác biệt so với cơ sở cũ, điều kiện khám chữa bệnh rất rộng rãi.

- Nhưng trên phạm vi chung, tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn vẫn chưa giảm được bao nhiêu, thưa bà?

Đó là ở các khoa khám bệnh, vẫn rất quá tải. Phòng điều trị nội trú còn rất đông vì các cơ sở vẫn chưa xây mới được bao nhiêu. Hiện chúng tôi đang tập trung xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh để giảm tải, tuy nhiên phải có thời gian chuyển giao công nghệ cho bệnh viện tỉnh, tập huấn cho bác sĩ, vì thế giảm tải cũng cần có thời gian. Tới đây, khi thực hiện được mạng lưới bệnh viện vệ tinh thì bệnh nhân ung bướu, tim mạch, chấn thương các tỉnh sẽ ít phải lên tuyến trên hơn. Tuy nhiên, cũng cần 1 - 2 năm để bệnh viện tuyến tỉnh làm tốt công tác chuyển giao công nghệ từ bệnh viện tuyến trên. Cùng với đó, tuyến trên cũng phải mở rộng bệnh viện, xây thêm bệnh viện nữa.

- Trong khi thụ động chờ nguồn vốn ngân sách để xây dựng bệnh viện, ngành y tế có sáng kiến nào để huy động đầu tư nhằm giảm tải nhanh hơn?

Vừa rồi chúng tôi trình được cơ chế điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ y tế thực chất không phải dành để xây dựng, vì đó mới chỉ tính vào một số khoản chi phí trực tiếp. Nhưng vì mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, hầu hết giám đốc các bệnh viện đều dành những khoản tiền chi phí để mở rộng thêm khoa khám bệnh. Thể hiện rõ ở nhiều nơi hiện nay, khoa khám bệnh được kê thêm ghế ngồi, thực hiện khám bệnh điện tử để giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, mua thêm giường bệnh.

- Bộ GTVT vừa đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội phát hành trái phiếu Chính phủ để làm quốc lộ 1A, Bộ Y tế có đề nghị tương tự để có vốn xây dựng thêm các bệnh viện?

Hiện nay trong bối cảnh đất nước còn nghèo, dự án quốc lộ 1A phải ưu tiên làm. Trong lĩnh vực y tế, Chính phủ cũng cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội cho cơ chế này để làm, còn được chấp thuận hay không thì chưa biết. Tôi cũng biết trong tổng hợp kiến nghị cử tri tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 này, cử tri rất bức xúc với vấn đề bệnh viện quá tải, trong đó có yêu cầu Nhà nước tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế. Nhưng giải quyết quá tải bệnh viện phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, ngành y tế không thể một mình làm nổi. Chúng tôi không thể làm ra bệnh viện, trang thiết bị trong khi ngân sách thì bị cắt; giá dịch vụ y tế thì suốt 17 năm không cho tăng, vừa rồi có tăng nhưng chỉ tăng được 4/7 yếu tố chi phí trực tiếp, còn các khoản khấu hao tài sản, lương bác sĩ, đầu tư xây dựng cơ bản đều chưa được tính.

- Ở cơ sở y tế tuyến dưới, bệnh nhân không đủ niềm tin về chất lượng khám, chữa bệnh, còn lên tuyến trên thì bị quá tải, dẫn đến nhiều hệ lụy, như phát sinh chi phí “phong bì” và y đức bị bóp méo. Bộ trưởng có giải pháp nào mạnh mẽ hơn?

Tôi hiểu những bức xúc đó, nhưng giải quyết thì phải từ từ. Hầu hết các nước đều thiếu bác sĩ chứ không riêng Việt Nam. Hiện Chính phủ đã có quy định về nghĩa vụ luân phiên, bác sĩ nam - nữ đều phải về cơ sở 6 - 12 tháng; bác sĩ trẻ, tốt nghiệp loại giỏi xung phong tình nguyện về cơ sở từ 2 - 3 năm thì được hưởng rất nhiều quyền lợi. Dần dần sẽ bảo đảm được lượng bác sĩ luân phiên, còn hiện nay với cơ chế thị trường, rất khó để kêu gọi bác sĩ về cơ sở công tác. Bộ Y tế hy vọng quy định về nghĩa vụ xã hội tới đây khi được thực hiện sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm tải (lần lượt các bác sĩ tuyến trên sẽ phải về làm việc ở tuyến dưới từ 6 - 12 tháng). Cộng với mạng lưới bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình.. tôi tin là sẽ giảm tải được, nhưng phải làm từng bước.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục