Trước những diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng khi số người mắc liên tục tăng cao, chiều tối 25-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đại diện các vụ, cục chức năng đã có cuộc gặp gỡ với báo chí để trao đổi thẳng thắn những vấn đề liên quan tới căn bệnh nguy hiểm này. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết:
Theo Luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm, việc công bố dịch trên phạm vi cả nước được tiến hành khi có từ 2 tỉnh thành trở lên công bố dịch trên địa bàn và tỉnh đó không có khả năng phòng chống và kiểm soát.
Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước xung quanh trong khu vực, không chỉ có dịch bệnh tay chân miệng căng thẳng mà một số dịch bệnh khác như: sốt xuất huyết, tả cũng diễn biến phức tạp, nhưng chưa có một quốc gia nào công bố dịch tay chân miệng hay sốt xuất huyết, tả. Nếu có thì trong thời gian qua, chỉ có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch cúm H1N1 vì đây là dịch lây bằng đường hô hấp trực tiếp nên nguy cơ lây nhiễm và mắc rất cao.
Hơn nữa, bệnh dịch này tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, đối tượng mắc phần lớn là trẻ em nên tới thời điểm này, chúng ta không nhất thiết phải công bố dịch ở mức quốc gia vì vẫn kiểm soát được. Hơn nữa, khi công bố dịch, cả xã hội và nhiều bộ ban ngành phải đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Song song đó, phải triển khai tổng thể các biện pháp kiểm soát, từ việc kiểm tra sức khỏe người xuất nhập cảnh, cho tới việc kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm, máu tất các cả đối tượng nguy cơ, những người tới từ vùng có dịch bệnh tay chân miệng tới nước ta. Nếu vậy sẽ gây ảnh lớn tới nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, trong khi không nhất thiết phải làm vậy.
Tuy nhiên, dù không công bố dịch, nhưng chúng ta không lơ là trước bệnh này, nhất là với tính mạng của trẻ em. Điều này được thể hiện bằng quyết tâm phòng chống ngăn chặn bệnh tay chân miệng của Chính phủ, các bộ ngành, cũng như các đoàn thể.
Đây là căn bệnh mới nổi trong vài năm gần đây nên việc phòng chống, cũng như các căn nguyên về căn bệnh này chưa được tuyên truyền sâu rộng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Lâu nay, với bệnh này chúng ta mới chỉ tập trung tuyên truyền phản ánh về diễn biến chứ chưa tập trung tuyên truyền trúng đích, trúng đối tượng về các biện pháp phòng chống để người dân hiểu và thay đổi hành vi ứng xử trước căn bệnh này. Năm nay, không chỉ có nước ta mà nhiều nước trong khu vực do một số yếu tố tác động như môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu nên số người mắc tay chân miệng tăng cao đột biến, kéo theo số ca tử vong tăng mạnh.
Theo TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nay số ca mắc vẫn tăng và ở mức 2.000 - 5.000 ca/tuần. Nhưng qua giám sát, những tỉnh phía Nam có số ca mắc cao trước đây thì lại đang có chiều hướng giảm và số mắc mới tăng cao gần đây, chủ yếu tập trung ở phía Bắc.
KH.NGUYỄN
- Thông tin liên quan:
>> Thêm gần 5.000 người mắc bệnh tay chân miệng