(SGGPO).- Sáng 3-11, phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết ông đồng tình với quan điểm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Đương (TPHCM) rằng phải đấu tranh với chất cấm trong chăn nuôi như đấu tranh với ma túy.
“Với tôi, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chính là tội ác!”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, an toàn vệ sinh thực phẩm được xác định là nhiệm vụ số 1 của toàn ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương sẽ thực hiện một đợt cao điểm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ nay đến tháng 2-2016.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 3-11. Ảnh: LÃ ANH
Báo cáo Quốc hội về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã nhiều chính sách mới được ban hành. Ngành nông nghiệp cũng đang thúc đẩy mô hình cánh đồng mẫu lớn, đến nay đã có 536.000ha tham gia mô hình này. Bộ NN-PTNT cũng phối hợp đẩy mạnh đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường quốc doanh; trình Chính phủ dự thảo chính sách cho HTX nông nghiệp… Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào nông nghiệp.
“Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sự chuyển động còn khác nhau ở các địa phương, và nhìn chung còn chậm. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, ban hành chính sách mạnh mẽ hơn, nhất là đất đai, thuế và vốn để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Báo cáo Quốc hội về một số vấn đề được ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết sai phạm tại dự án xây dựng tòa nhà số 8B Lê Trực (Hà Nội) đã gây bức xúc trong xã hội và người dân. Vừa qua Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát và đề ra các giải pháp xử lý. Theo đó, công trình này được cấp phép cao 58m; nhưng thực tế xây dựng cao tới 69m. Ngày 26-10, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ ngành liên quan đến vấn đề này. Tại cuộc họp, sau khi nghe các cơ quan liên quan báo cáo, Thủ tướng đã kết luận: việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị tại số 8B phố Lê Trực là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chủ đầu tư đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng, đồng thời không thực hiện yêu cầu của các cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị. Vụ việc này là biểu hiện yếu kém về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị. Để giữ nghiêm kỷ cương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, kiểm tra đánh giá đúng các hành vi và mức độ vi phạm của chủ đầu tư so với giấy phép xây dựng đã cấp và thực hiện xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư dự án trình cơ quan có thẩm quyền phương án và nêu thời hạn cụ thể thực hiện việc khắc phục sai phạm.
“Qua vụ việc này, Bộ Xây dựng cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần tăng cường quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp tích cực hơn nữa với các địa phương để kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án xây dựng trái phép”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu trong phiên thảo luận. Ảnh: LÃ ANH
Tiếp tục cho ý kiến về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng cần phải bổ sung giải pháp nâng cao hiệu quả, sử dụng khai thác nguồn lực. Đại biểu phân tích: “Trong quản lý nền kinh tế, câu hỏi về hiệu quả luôn được đặt ra và kỳ này càng khẩn thiết hơn? Phát hành trái phiếu phải quan tâm đến hiệu quả đồng vốn? Hay việc khai thác dầu khí quá kế hoạch trong khi giá thấp sẽ làm giảm hiệu quả quản lý tài nguyên. Báo cáo của Chính phủ cần có thêm mục tiêu về hiệu quả quản lý khai thác sử dụng nguồn lực. Phải giám sát chặt chẽ hơn nữa để khai thác hiệu quả nguồn lực ngân sách và tài nguyên”.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng cần phải bổ sung giải pháp nâng cao hiệu quả, sử dụng khai thác nguồn lực. Ảnh: LÃ ANH
Trong khi đó, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) quan tâm tới chính sách tăng lương cho đối tượng chính sách và người có hệ số lương dưới 2,34 mà Chính phủ đã thực hiện từ năm 2014: “Tôi thấy việc tăng lương như vậy còn chưa hợp lý. Thực tế là có những người nghỉ hưu đang hưởng lương cả chục triệu đồng vẫn được tăng 8%, trong khi nhiều người đang làm việc phải nuôi con với mức lương 2,7 triệu đồng trở lên thì không được tăng lương trong suốt 3 năm nay. Chính sách về lương tới đây phải tính kỹ vấn đề này”.
Cho ý kiến một cách tổng thể về kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nhận định thành quả rõ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô. Cái được lớn nhất là đã tạo sự ổn định để mở ra một thời kỳ mới. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng trong 5 năm qua có 9 chỉ tiêu không đạt được đều rơi vào các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng tăng trưởng. Bởi vậy, muốn trong 5 năm tới đạt mục tiêu tăng trưởng mỗi năm từ 6,5%-7% thì phải có động lực mới. Ngành ngân hàng vừa qua đạt nhiều thành tích nhưng vấn đề khó sắp tới là giảm lãi suất trung hạn. “Để kích thích tăng trưởng, phải đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm phải bằng 3 lần tốc độ tăng GDP”, ĐB Trần Du Lịch đề nghị.
HÀM YÊN
Thông tin liên quan:
>> Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Tại sao chúng ta không thể phát triển tốt hơn?