Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du châu Á: Quyết tâm xoay trục

Ngày 7-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ có chuyến công du tới Nhật Bản, Hàn Quốc, trước khi tham dự Hội nghị An ninh thường niên Đối thoại Shangri-la vào tháng 5 tại Singapore và thăm Ấn Độ. Lầu Năm Góc tuyên bố các chuyến thăm của ông Carter nhằm khẳng định mối quan hệ quốc phòng với đồng minh và củng cố các sáng kiến then chốt trong chiến lược tái cân bằng hay xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du châu Á: Quyết tâm xoay trục

Ngày 7-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ có chuyến công du tới Nhật Bản, Hàn Quốc, trước khi tham dự Hội nghị An ninh thường niên Đối thoại Shangri-la vào tháng 5 tại Singapore và thăm Ấn Độ. Lầu Năm Góc tuyên bố các chuyến thăm của ông Carter nhằm khẳng định mối quan hệ quốc phòng với đồng minh và củng cố các sáng kiến then chốt trong chiến lược tái cân bằng hay xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung thường niên Đại bàng non năm 2015.

Thúc đẩy hợp tác với đồng minh

Theo nguồn tin từ một quan chức quốc phòng Mỹ, trong chuyến thăm Tokyo, ông Carter sẽ trao đổi để cập nhật cho nội dung thỏa thuận phòng thủ Mỹ - Nhật Bản. Washington và Tokyo hiện đang xem xét lại các hướng chủ đạo trong lĩnh vực này để tăng cường hợp tác quân sự song phương. Công việc cập nhật và nâng cấp quan hệ quân sự cần phải được hoàn thành trước khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công du Mỹ vào cuối tháng 4 này.

Vào tháng 7 năm ngoái, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua một quyết định lịch sử, lần đầu tiên kể từ khi Hiến pháp của Nhật Bản ra đời vào năm 1947 đến nay, cho phép quân đội Nhật Bản tham gia vào các hoạt động quân sự ở nước ngoài để giúp các đồng minh. Động thái này sẽ cho phép Washington và Tokyo thắt chặt hơn nữa hợp tác quân sự, tăng cường hỗ trợ nhau trong đảm bảo an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tái khẳng định quyết tâm của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho đồng minh, trước các hành động mà Mỹ và Hàn Quốc gọi là khiêu khích liên tiếp từ Triều Tiên. Đây được xem là thông điệp trấn an của Mỹ gửi đến đồng minh Đông Bắc Á. Điểm dừng chân thứ 3 của ông Carter trong vòng đầu tiên công du châu Á sẽ là Hawaii, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ họp với dàn chỉ huy quân sự Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương.

Không lơ là châu Á

Chuyến công du vòng hai châu Á khi ông Carter đến Singapore dự hội nghị Đối thoại Shangri-la và đi thăm Ấn Độ dù diễn ra vào tháng 5 nhưng hiện đã được hâm nóng. Giới quan sát nhận định, chuyến thăm Ấn Độ sẽ là một sự tiếp nối những nỗ lực siết chặt thêm quan hệ về quốc phòng với cường quốc Nam Á này của Mỹ, khi mà thời gian qua Washington đã làm việc rất chặt chẽ với New Delhi.

Trong chuyến thăm sắp tới, ông Carter sẽ thúc đẩy phát triển quân sự cũng như hợp tác sản xuất các công nghệ quốc phòng vốn đã được đề cập trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 1 vừa qua.

Trong khi đó, hội nghị Đối thoại Shangri-la sẽ là nơi để ông Carter thể hiện quan điểm, thái độ và vai trò của Mỹ về vấn đề an ninh trong bối cảnh xuất hiện nhiều căng thẳng trong khu vực thời gian qua, đặc biệt trên biển Đông. Mới đây, Mỹ tiếp tục thể hiện sự quan ngại của mình khi Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris Jr. cho rằng, Bắc Kinh đang xây một Vạn lý trường thành trên biển Đông.

Theo ông Harris, đường 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra để đòi chủ quyền đối với hầu hết biển Đông không phù hợp với luật quốc tế. Ông Harris cũng cho rằng việc Trung Quốc xúc tiến nhiều hoạt động cải tạo các bãi đá với quy mô chưa từng thấy là rất đáng lo ngại.

Giới quan sát nhận định chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương vốn là một thành tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong bối cảnh Mỹ như đang bị phân tâm vì tình hình tại Trung Đông hay Ukraine, hai vòng công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhằm khẳng định một lần nữa Washington không hề lơ là châu Á.

Bản thân Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ cũng khẳng định chính sách xoay trục của Mỹ đang đi đúng hướng trong mục tiêu chuyển 60% lực lượng sang châu Á - Thái Bình Dương trước năm 2020.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục