Bỏ ưu đãi để nâng chất thu hút đầu tư

Việc nhiều doanh nghiệp chạy theo các ưu đãi để đầu tư - đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - sau khi hưởng hết thời hạn ưu đãi về thuế, đất đai… thì giải thể, đã tạo ra không ít bức xúc. 
Nhà máy Samsung trong KCN cao TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Nhà máy Samsung trong KCN cao TPHCM Ảnh: CAO THĂNG

Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần bỏ các ưu đãi để nâng chất lượng thu hút đầu tư hơn là chạy theo số lượng như lâu nay, đồng thời tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp.

FDI: Số lượng nhiều, đóng góp không bao nhiêu!

Theo báo cáo đánh giá tình hình tài chính về sự phát triển của Việt Nam vừa được Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) công bố cho thấy, quy mô nguồn vốn từ các nhà đầu tư FDI đổ vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng, đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Có thể nói, vốn FDI đổ vào Việt Nam luôn ở mức cao hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN. Hiệu quả của nguồn vốn FDI đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, FDI đóng góp khoảng 72% giá trị xuất khẩu, 20% GDP của cả nước, 18% nguồn thu ngân sách nhà nước và tạo ra 3,7 triệu việc làm cho người lao động Việt Nam, tính đến năm 2017. 

Mặc dù có mức tăng trưởng lớn về số lượng nhưng chất lượng các doanh nghiệp FDI vẫn chưa như mong đợi. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, cùng với hoạt động đầu tư, những doanh nghiệp FDI đã để lại nhiều hệ quả xã hội. Đồng thời, các doanh nghiệp này chưa thật sự mang lại giá trị gia tăng và sự phát triển bền vững cho đất nước. Bởi những năm gần đây, nguồn vốn FDI chủ yếu đầu tư vào bất động sản, thu lời nóng rồi để lại gánh nặng cho xã hội với những công trình mà lợi nhuận thu được hầu hết từ tài nguyên đất. Tiếp đến là các ngành tăng trưởng nhanh như năng lượng, khai khoáng, các ngành công nghiệp công nghệ thấp và lâm nghiệp cũng không mang lại nhiều giá trị gia tăng cho đất nước, vì những ngành này sử dụng nhiều đất đai, năng lượng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường… Do vậy, TS Hồ Đình Bảo, chuyên gia tư vấn của UNDP, cho rằng Việt Nam cần chuyển định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ số lượng sang chất lượng. Phải xem xét từng dự án trong thu hút đầu tư.

Mục tiêu mở cửa của Việt Nam không chỉ tranh thủ nguồn vốn mà còn mong muốn được chuyển giao công nghệ mới, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu, giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều dự án FDI có chất lượng công nghệ thấp, hiệu ứng lan tỏa không nhiều, nhập máy móc cũ nên hiệu quả chuyển giao công nghệ chưa cao. Hiện nay, chỉ mới vài doanh nghiệp có khả năng giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chỉ đếm trên đầu ngón tay như Samsung.

Tạo bình đẳng giữa các doanh nghiệp 

Nhiều doanh nghiệp phản ứng rằng, chính phủ và một số địa phương dùng biện pháp ưu đãi về thuế, đất đai để thu hút đầu tư đã tạo sân chơi không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đó là chưa kể, việc áp dụng ưu đãi tùy tiện hiện nay đã làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, làm hạn chế những lợi ích của đầu tư đối với các nguồn tài chính công và giảm quy mô kinh phí cho các dịch vụ và đầu tư công. Như hiện nay, các doanh nghiệp FDI công nghệ cao có thể được đóng mức thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp, chỉ 10% trong toàn bộ vòng đời dự án (0% trong 4 năm đầu và 5% trong 9 năm tiếp theo). Chẳng hạn Samsung được ưu đãi thế đã đành, nhưng các công ty con không có công nghệ cao của Samsung vẫn được ưu đãi là điều bất hợp lý - vì đã không đem lại hiệu suất kinh tế, cũng không chuyển giao được công nghệ mới. Điều đó dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng lợi ích kinh tế mang lại chưa cao. Có thể thấy, năm 2013, Samsung Việt Nam xuất khẩu được 23 tỷ USD hàng hóa, nhưng chỉ nộp 1.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp; năm 2015, Samsung đạt mức lợi nhuận hơn 70.000 tỷ đồng, nhưng chỉ nộp 1.684 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp - trong khi đó, nếu không ưu đãi, Samsung sẽ phải nộp đến 13.000 tỷ đồng thuế này. 

Đó là chưa kể, rất nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào các khu công nghiệp, theo lời kêu gọi ưu đãi đầu tư của các tỉnh, nhưng họ chỉ hoạt động hết thời gian ưu đãi rồi giải thể. Như vậy, họ chỉ tận dụng những lợi ích từ ưu đãi chứ không đóng góp cho nền kinh tế một cách bền vững. Đó là lý do các chuyên gia cho rằng việc cạnh tranh qua thuế là có hại. Do vậy, để mang lại lợi ích thiết thực và tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, nhà nước cần chấm dứt các biện pháp khuyến khích, thu hút đầu tư bằng ưu đãi hay đặc quyền khác. Thay vào đó, cần nâng cao chất lượng phục vụ trong bộ máy nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, các tiện ích và nguồn cung lao động đã qua đào tạo thì mới thu hút được doanh nghiệp FDI có chất lượng. 

Ngoài ra, để phát triển, Việt Nam cần nâng cao nội lực, xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ đầu tư công nghệ, dẫn dắt kết nối thị trường bằng các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, như thanh tra thuế không biên giới, chống chuyển giá… nhằm đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng luật, chống thất thu thuế hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục