Bộ Xây dựng đứng cuối bảng xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT năm 2019

Chiều 11-11, tại Hà Nội, Bộ TT-TT và Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các bộ, ngành, địa phương năm 2019 và phổ biến Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh.

Bộ Xây dựng đứng cuối bảng xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT năm 2019 ảnh 1 Quang cảnh cuộc hội thảo chiều 11-11 tại trụ sở Bộ TT-TT. Ảnh TRẦN BÌNH
Theo báo cáo của Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT được thực hiện dựa theo 6 hạng mục, gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; Trang/Cổng thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT; Nhân lực cho ứng dụng CNTT. Mỗi hạng mục được kiểm tra, tính điểm, tổng điểm của các hạng mục được sử dụng để xếp hạng tổng thể cho cơ quan.

Theo đó, chỉ số mức độ ứng dụng CNTT trung bình của khối bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (CQCP), tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2019 tăng so với năm trước. Xếp hạng nhóm đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của khối bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 không thay đổi so với 2018, lần lượt là Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ TT-TT; 3 bộ có chỉ số ứng dụng CNTT thấp nhất trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ được xếp loại, lần lượt là: Xây dựng, Nội vụ và Bộ GD-ĐT. 

Các Bộ Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc do đặc thù cung cấp thông tin hoặc không cung cấp dịch vụ công trực tuyến nên không nằm trong bảng xếp hạng. Ở khối cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đầu bảng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2, kế đó là Thông tấn xã Việt Nam.

Về tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên - Huế đã vươn lên dẫn đầu, xếp thứ 2 là Đà Nẵng và thứ 3 là Quảng Ninh; 3 tỉnh lần lượt xếp cuối bảng là Cao Bằng, Kon Tum và Bạc Liêu. Theo Cục Tin học hóa, cũng giống khối bộ ngành, hầu hết các chỉ tiêu ứng dụng CNTT ở cấp tỉnh, thành phố năm 2019 cũng tăng lên, nhiều chỉ tiêu tiến tới mức bão hòa. Tuy nhiên, dịch vụ công trực tuyến còn ở mức thấp, đặc biệt với các dịch vụ công trực tuyến mức 4.
Bộ Xây dựng đứng cuối bảng xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT năm 2019 ảnh 2 Bảng xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của 17 bộ và cơ quan ngang bộ năm 2019. Ảnh TRẦN BÌNH
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm đề nghị các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu và tiếp tục quan tâm hơn nữa trong thời kỳ tới khi mà ứng dụng CNTT, chuyển đổi số được xác định là động lực đột phá trong KH-CN.

Bộ Xây dựng đứng cuối bảng xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT năm 2019 ảnh 3 Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm phát biểu tại hội thảo. Ảnh TRẦN BÌNH
Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho biết, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, giao Bộ TT-TT nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số bao gồm chỉ số đánh giá về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của quốc gia, từng ngành, từng địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT (ngày 12-10-2020) phê duyệt Đề án xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, bộ chỉ số chuyển đổi số gồm các nhóm chỉ số để đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ/tỉnh và cấp quốc gia.

Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh/bộ nhằm theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ/tỉnh, trong khi Chỉ số chuyển đổi số cấp quốc gia nhằm cung cấp thông tin về kết quả chuyển đổi số chung của cả nước để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như cho các tổ chức quốc tế sử dụng khi đánh giá các chỉ số toàn cầu (EGDI, IDI, GCI 4.0, GII, GCI). Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, bắt đầu từ năm tới, Bộ TT-TT sẽ sử dụng Bộ chỉ số chuyển đổi số để theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. 

Ngày 11-11, Bộ TT-TT cho biết, 100% bộ, ngành đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/ tỉnh (LGSP). Theo đó, việc 100% các bộ, ngành có LGSP và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia sẽ góp phần cơ bản cho việc phá bỏ các “ốc đảo” dữ liệu của các bộ, ngành; thay vào đó là tạo lập nền tảng sẵn sàng cho việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu thông suốt từ Trung ương đến địa phương; thông qua đó giúp Nghị định số 47/2020/NĐ-CP (ngày 9-4-2020) của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước sớm đi vào thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục