Tổng kết tình hình xuất bản Việt Nam năm 2009 vừa qua cho thấy một thực trạng không mấy sáng sủa. Hầu hết các thông số đều sụt giảm so với năm 2008. Điều này được lý giải do tình hình kinh tế khó khăn chung. Tuy nhiên, chính từ việc khó khăn đó đã làm lộ ra những bất cập ở lĩnh vực xuất bản trong nước hiện nay.
- Đăng ký một đàng... làm một nẻo!
Theo thống kê của Cục Xuất bản (CXB) thì trong năm 2009, 60 NXB trên cả nước đã đăng ký xuất bản 51.717 nhan đề sách, nhưng trên thực tế, cả 60 NXB chỉ thực hiện được có 17.567 nhan đề sách, chỉ bằng 35% con số đăng ký.
Trong số đó có nhiều NXB có số sách thực hiện chiếm tỷ lệ rất ít so với số đăng ký, ví dụ như NXB Bách khoa Hà Nội chỉ thực hiện 7%, NXB Hồng Đức, Thanh Niên 7%, NXB Văn học làm được 12%, NXB Văn hóa - Thông tin, Dân Trí 17%... Cá biệt có một số NXB dù đã chính thức đi vào hoạt động từ nửa năm trước, nhưng cho đến hết năm 2009 vẫn chưa làm được cuốn sách nào như 2 NXB Công thương và NXB Đại học Cần Thơ.
Lý giải tình trạng đăng ký nhiều làm ít của các NXB, giám đốc một NXB cho biết hàng năm các đơn vị trên đều đăng ký số lượng đầu sách sẽ làm rất nhiều để giữ chỗ. Khi có đối tác liên kết đề nghị làm sách, các NXB chỉ việc xin thay đổi nhan đề, nội dung là có thể nhanh chóng thực hiện sách cho đối tác. Tuy nhiên năm nay, do khó khăn về kinh tế, các đối tác làm sách cũng phải đắn đo suy nghĩ, lựa chọn sách để làm nên số sách liên kết giảm hẳn xuống.
Vậy tại sao các NXB không tự tìm cách xuất bản sách theo đúng trách nhiệm của mình? Ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng CXB đã cho biết: “Hầu hết các NXB đều thiếu hụt nhân lực có trình độ, nên việc tự thực hiện sách rất khó khăn”.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa nhấn mạnh hơn khi cho rằng, trong bối cảnh khó khăn kinh tế, các NXB để tồn tại càng phải lệ thuộc vào đối tác nên không có gì lạ khi họ bị đối tác chi phối, lũng đoạn.
Việc bị chi phối, lũng đoạn này theo CXB thể hiện qua nhiều vấn đề như nộp lưu chiểu, bản quyền… Có trường hợp sách chưa nộp lưu chiểu mà doanh nghiệp đã giới thiệu, tuyên truyền, quảng cáo rầm rộ trái với luật xuất bản. Sách biên soạn theo kiểu sao chép, xáo xào nội dung của sách khác diễn ra nhiều hơn, gây nên các tranh chấp giữa các đơn vị mà đến nay vẫn chưa được khắc phục như ở các NXB Đồng Nai, Từ điển bách khoa, Hải Phòng, Lao động…
Bên cạnh những vấn đề kể trên, thị trường sách trong năm qua còn chứng kiến sự xuất hiện của những đầu sách thể hiện sự bế tắc trong sáng tác, thô thiển, dung tục trong việc miêu tả cuộc sống. Có nhiều tác phẩm khi xuất hiện đã gây phản cảm trong dư luận xã hội dẫn đến việc NXB phải tự dừng phát hành, cơ quan chức năng phải tiến hành thu hồi… tất cả đều được quy về trách nhiệm của các NXB do đã quá dễ dãi, thiếu cẩn trọng trong khâu đọc duyệt bản thảo.
- Quản lý không nổi, do đâu?
Sự khó khăn của xuất bản trong năm 2009 đã làm bộc lộ nhiều yếu kém của các đơn vị xuất bản. Trước đây, Việt Nam có 60 NXB, do có 2 NXB chuẩn bị sát nhập, con số này sẽ giảm xuống còn 59. Số lượng này được cho là quá nhiều so với một thị trường sách như ở Việt Nam. Chính việc quá nhiều này làm nảy sinh những vấn đề trong lĩnh vực xuất bản như đã kể trên.
Về nguyên tắc các NXB khi thành lập nằm dưới sự quản lý nhà nước của các đơn vị chủ quản. Thế nhưng trên thực tế, nhiều NXB sau khi được thành lập đã bị đơn vị chủ quản bỏ mặc, thậm chí đến cơ sở vật chất để hoạt động cũng không có. Trong tình hình đó, để tồn tại các NXB này đành phải dựa vào đối tác.
Cũng chính vì có quá nhiều NXB nên việc tìm kiếm nhân sự cho các NXB trở thành một vấn đề chưa có lời đáp. Công tác đào tạo nhân lực làm việc trong lĩnh vực xuất bản vốn khá ít ỏi, hoàn toàn không thể đáp ứng nhu cầu dù là tối thiếu cho 59 NXB trong cả nước.
Xét cả về phương diện cơ sở vật chất hay nhu cầu thị trường thì số lượng NXB trong nước hiện nay đang gây bội thực cho nền xuất bản, gây khó khăn cho quản lý, lãng phí nhân lực, vật lực… Chính vì thế, ý kiến cho rằng cần giảm bớt số lượng NXB, chỉ duy trì những NXB có khả năng hay ít nhất được cơ quan chủ quản quan tâm, chăm sóc để thị trường xuất bản trong nước tăng cao chất lượng, tránh tình trạng xô bồ như hiện nay
TƯỜNG VY