Bôn ba xây dựng thương hiệu Ba Huân

Một câu tâm tình của bà làm người đối diện nhớ nhất, ấy là: “Tôi nghèo, chăn vịt, bán trứng gà vịt, rồi đi lên từ trứng… Cuộc đời tôi nay đã tròn 60 tuổi và vẫn “lăn đều” theo quả trứng nên tôi biết nông dân nghèo sẽ khổ lắm nếu có dịch cúm hay trứng bị mất giá. Vì vậy mà 10 năm qua, tôi ký kết với hàng trăm nông dân nuôi vịt, gà rồi thu mua bằng hết. Một nhà nông khá, cả gia đình họ sẽ có ăn có mặc, con cái họ cũng được học hành, không bị thiếu chữ như tôi ngày xưa”.
Bôn ba xây dựng thương hiệu Ba Huân

Một câu tâm tình của bà làm người đối diện nhớ nhất, ấy là: “Tôi nghèo, chăn vịt, bán trứng gà vịt, rồi đi lên từ trứng… Cuộc đời tôi nay đã tròn 60 tuổi và vẫn “lăn đều” theo quả trứng nên tôi biết nông dân nghèo sẽ khổ lắm nếu có dịch cúm hay trứng bị mất giá. Vì vậy mà 10 năm qua, tôi ký kết với hàng trăm nông dân nuôi vịt, gà rồi thu mua bằng hết. Một nhà nông khá, cả gia đình họ sẽ có ăn có mặc, con cái họ cũng được học hành, không bị thiếu chữ như tôi ngày xưa”.

        Tầm vóc khu vực

Chúng tôi vượt 80km, từ TPHCM đến trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao được đánh giá mang tầm vóc khu vực (tọa lạc tại xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), ngay lúc trời nắng như đổ lửa. Thế nhưng, qua cổng trang trại, khách phương xa như được hạ nhiệt nhờ hệ thống phun sương. Người đàn bà có gương mặt phúc hậu, cũng là chủ nhân của trang trại này - bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cười hiền giải thích: Đây là hệ thống khử trùng trước khi vào trang trại. Chỉ tay về phía dãy nhà đang hoàn thiện thi công kế bên, bà nói: Khi công trình này hoàn tất, tất cả khách đến đều giao dịch tại đây. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho gà đẻ và con giống, vị chủ nhân thông tin thêm: Công nhân làm việc trong trang trại này sau khi nghỉ phép đi làm trở lại đều phải cách ly 3 ngày mới chính thức vào làm!

Bà Ba Huân tại trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao (tỉnh Bình Dương).

Bà Ba Huân tại trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao (tỉnh Bình Dương).

Với tổng diện tích 18ha, dù chỉ mới đưa vào khai thác giai đoạn 1 nhưng trang trại có đến 14 trại gà, trong đó có 10 trại gà đẻ trứng (công suất 200.000 quả/ngày, 3 trại gà hậu bị và 1 trại gà giống. Đặc biệt, tất cả quy trình đều tự động hóa, từ cung cấp thức ăn, gom thức ăn thừa đến thu trứng, thu phân… Trong trang trại này được đầu tư 1 nhà máy chế biến thức ăn, tạo thành quy trình khép kín. Tương ứng dây chuyền hiện đại, cách quản trị ở đây cũng hiện đại. Tất cả đều bằng máy móc, công tác giám sát thông qua hệ thống camera. Đội ngũ quản lý có trình độ cử nhân, thạc sĩ được đào tạo từ nước ngoài vào làm việc.

Đưa tay quẹt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, bà Phạm Thị Huân cho biết, đây là trang trại thứ 4 của Ba Huân được đầu tư xây dựng năm 2012 với tổng vốn hơn 300 tỷ đồng theo công nghệ châu Âu. Chỉ riêng trang trại này mỗi ngày xuất xưởng 300.000 quả trứng, chiếm 30% tổng thị phần trứng mà Công ty Ba Huân cung cấp ra thị trường; 70% số lượng trứng cung ứng còn lại công ty liên kết chăn nuôi với bà con nông dân từ các tỉnh miền Tây Nam bộ.

        Chiếm lĩnh thị trường

Bà đã quen với sông nước, với vịt chạy đồng từ 5 tuổi. Bà Ba Huân kể, lúc đó, bà theo cha mẹ trên xuồng, chạy theo những đàn vịt bôn ba từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Bây giờ thì từ ngữ phong phú, người ta thường gọi đó là nghề nuôi vịt chạy đồng. Còn ngày xưa, cách đây hơn nửa thế kỷ, bà Ba Huân gọi chân chất hơn, ấy là nghề chăn vịt. Đến khi có chồng, bà Ba Huân bắt đầu mở sạp ở Chợ Lớn, TPHCM chuyên thu mua trứng vỡ, móp méo. Với uy tín của mình, bà bán lại số trứng dạt ấy cho các xưởng bánh ngọt trong vùng, tích cóp dần dần để rồi mở được vựa trứng lớn nhất nhì Chợ Lớn.

Dịch cúm gia cầm lớn nhất và đầu tiên tại Việt Nam, bà Ba Huân lỗ gần 6 tỷ đồng, xem như tất cả mồ hôi công sức cả một đời tích cóp tan thành mây khói. Song trong cái rủi, còn có sự may mắn là nhiều nông dân nghèo đồng ý cho bà thiếu nợ số trứng bà “lỡ mua”. Ngay sau đó, bà Ba Huân chế biến hết hàng trăm ngàn quả trứng thành trứng muối, cất vào kho lạnh. Trung thu năm ấy, bà “sống lại” nhờ hàng khan hiếm, giá tăng chóng mặt.

Thấy bà Ba Huân có chí, lại dám bán mấy căn nhà để gầy dựng lại sự nghiệp, lãnh đạo TPHCM quyết định cho bà vay 11 tỷ đồng để mua dây chuyền xử lý, đóng hộp trứng sạch. Vậy là trong lúc nhiều cơ sở trứng gia cầm giải nghệ, bà Ba Huân lại dốc hết tài sản còn lại cùng vốn vay, bay sang Hà Lan mua máy móc. Năm 2006, sau đại dịch cúm, những vỉ trứng sạch chứa trong bao bì nhựa mang thương hiệu Ba Huân chiếm lĩnh thị trường trong nước.

        Đưa công nghệ đến nông dân

Không chỉ với nông dân, bà Ba Huân còn kết nối với lực lượng thanh niên xung phong để xây dựng các trang trại nuôi gia cầm, trước mắt là tạo nguồn cung cấp trứng và cái lâu dài mà bà mong muốn, là “giúp cho các cháu đang học tập sau này hồi gia thì có cái nghề, biết trân quý mồ hôi và của cải do chính mình lao động làm ra”. Nói là làm, đầu tiên, bà hợp tác xây dựng trại gà tại Trung tâm Giáo dục và giải quyết việc làm Phú Văn (tỉnh Bình Phước) với quy mô trên 600.000 con gà. Để tăng năng suất và chất lượng trứng, bà tìm đến các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư nhờ hỗ trợ nghiên cứu con giống và tập huấn quy trình chăn nuôi.

Khi đã nhận được sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu, bà Ba Huân chuyển giao ngay công nghệ cho nông dân hay đơn vị có liên kết. Không những thế, bà còn di chuyển liên tục đi - về các tỉnh để hướng dẫn công nghệ nuôi, giới thiệu nhiều giống gia cầm mới, năng suất cao cho người nông dân. Chính quyền các tỉnh thấy lạ, nên cũng để tâm, rồi dần dà họ mời bà hợp tác. Vậy là trại chăn nuôi gia cầm tại tỉnh Kiên Giang quy mô tổng đàn gà đẻ khoảng 80.000 con ra đời, rồi trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với diện tích 18ha mọc lên. Ước cả năm 2014, bà Ba Huân đã cung cấp 4,2 triệu con gà, vịt giống cho người nuôi, rồi sau đó thu về những quả trứng tròn như cuộc đời thầm lặng của bà.

Khi đã ổn định nguồn giống, cơ sở nuôi vệ tinh, trang trại…, một mình bà lại tiếp tục lập hệ thống kênh phân phối bao gồm chuỗi siêu thị bán sỉ và lẻ như Metro, Co.opMart, Vissan và một hệ thống đại lý rải đều trên 64 tỉnh thành. Tại TPHCM, nơi bà Ba Huân khởi nghiệp, với hơn 1.000 đại lý và điểm phân phối, trứng sạch của bà Ba Huân đã chiếm hơn 25% thị phần. Lãnh đạo TPHCM cũng rất yên tâm khi đã chọn bà tham gia vào Chương trình Bình ổn giá của TP từ năm 2007 đến nay.

Gần một đời gắn mình với quả trứng, nhiệt huyết ở bà vẫn tràn đầy, nhất là mỗi ngày thấy rõ hơn hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình đối với xã hội. Nhưng cũng lúc này đây, bà nhận thấy rằng, mình cần lui về với vai trò của người định hướng chiến lược để lại việc điều hành cho những người trẻ năng động. Bởi lẽ, hơn ai hết bà hiểu rõ rằng, với quy mô của Công ty Ba Huân bây giờ phải thực hiện phương thức quản trị hiện đại…

Dưới sự điều hành và lãnh đạo của bà Phạm Thị Huân, Công ty TNHH Ba Huân đã từng bước phát triển trong ngành nghề kinh doanh trứng gia cầm các loại, tổng mức đầu tư từ 8 tỷ đồng (2003) đến nay đã tăng lên 129 tỷ đồng. Bà đã mạnh dạn đầu tư cho công ty trên 35 tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý trứng sạch tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Đây là nhà máy hiện đại nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với hai dây chuyền sản xuất công suất xử lý 65.000 trứng/giờ và 120.000 quả/giờ.

VÂN ANH - MINH ANH

Tin cùng chuyên mục