Bộn bề quang gánh

Có thể nói, thú ẩm thực của người Sài Gòn ít nhiều mang sắc thái độc đáo của cội nguồn… “Từ thuở mang gươm đi mở cõi…”. Vì thế mà đất Sài Gòn là nơi hội tụ hàng trăm món ăn đủ hương vị của ba miền (không kể các món ăn du nhập từ nước ngoài), nếu muốn thưởng thức chỉ cần rảo một vòng là thỏa được khẩu vị, thậm chí còn được vinh danh trên thế giới như bánh xèo, bánh khọt, bánh mì kẹp thịt nướng…. Tuy nhiên mấy ai biết phía sau những quang gánh kia là cả một sự tảo tần…
Bộn bề quang gánh

Có thể nói, thú ẩm thực của người Sài Gòn ít nhiều mang sắc thái độc đáo của cội nguồn… “Từ thuở mang gươm đi mở cõi…”. Vì thế mà đất Sài Gòn là nơi hội tụ hàng trăm món ăn đủ hương vị của ba miền (không kể các món ăn du nhập từ nước ngoài), nếu muốn thưởng thức chỉ cần rảo một vòng là thỏa được khẩu vị, thậm chí còn được vinh danh trên thế giới như bánh xèo, bánh khọt, bánh mì kẹp thịt nướng…. Tuy nhiên mấy ai biết phía sau những quang gánh kia là cả một sự tảo tần…

Xe xôi của vợ chồng chị Tư là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Xe xôi của vợ chồng chị Tư là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Thâu đêm cùng gánh hàng khuya

Con hẻm nhỏ gần ngã ba Trần Quang Diệu - Lê Văn Sỹ xưa nay không ai không biết gia đình chú Hai T. - một gia đình truyền nhau gánh xôi đến… ba đời. Trước giải phóng, gánh xôi thơm lừng với màu gấc mơn mởn của thím Hai trên đường Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ) không chỉ hấp dẫn dân lao động mà cả giới công chức. Bọn học trò chúng tôi thường được thím Hai ưu tiên bán trước. Do ở sát vách nên tôi biết rõ để có được gánh xôi cho khách điểm tâm, cả gia đình phải chuẩn bị từ chiều hôm trước. Chú Hai lên tận Hóc Môn mua lá chuối đem về huy động đàn con lau, lựa, xếp… Thím Hai lo ngâm đậu, chọn nếp. Mới nửa khuya đã nghe tiếng nạo dừa rào rạo. Nhìn qua khe vách (xưa nhà còn vách ván), tôi thấy bóng thím Hai nghiêng mình trong ánh lửa bập bùng với nồi xôi gấc.

Thời gian cứ trôi… 11 đứa con của gia đình chú Hai trưởng thành cùng gánh xôi ấy. Hôm nay thím Hai không còn nhưng chị H. - người con thứ tư và đứa cháu ngoại tiếp tục nối nghiệp trên một khoảng đường gần chợ Lê Văn Sĩ. Xôi bây giờ vẫn vậy, nhưng thay cho lá chuối là những chiếc hộp trắng xinh xinh. Cũng tương tự cách đó hơn chục kilômét, ngay chân cầu Ba Thôn, đường Tô Ngọc Vân (quận 12) là vợ chồng chị Tư Xôi (tên khách hàng đặt), hàng đêm hai vợ chồng tất bật mãi tới khuya để rồi 3 giờ sáng đã vội thức dậy… Cứ thế, anh chị đã gắn bó cùng chiếc xe đẩy với những nồi xôi mặn, xôi đậu, nếp than hơn 20 năm qua để nuôi hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn.

Góp phần cho sự đa dạng, năng động của những món ăn đường phố phải kể đến dì Tư Hòa. Trước năm 1975 dì có một xe phở cố định ở gần cổng xe lửa số 6 trên đường Huỳnh Văn Bánh. Thời gian sau này tôi gặp dì bên gánh bánh canh giò heo gần chợ Bà Chiểu với gần chục cái ghế nhựa nhỏ để tiện bề… di động. Tôi hỏi dì chuyển mặt hàng từ bao giờ, dì thở dài nói: “Mấy đứa nhỏ có gia đình “tung cánh” bay hết. Ổng thì bệnh rề rề nên không ai phụ, bán đắp đổi vậy cho đỡ cực, bày ra buôn bán thứ gì cũng phải thức khuya dậy sớm”. Mới đây tôi được biết dì dời nhà về phường 22, quận Bình Thạnh và hiện đang bán món mì Quảng và bún bò Huế ở phía sau chợ Thị Nghè, đường vào khu cư xá Cửu Long.

Còn ở đoạn đường Kỳ Đồng dẫn đến ga xe lửa Hòa Hưng, những công nhân đi làm sớm khá quen thuộc với đôi quang gánh trĩu nặng thấm đẫm sương khuya của dì Tám T. với món chuối nếp nướng ăn với nước cốt dừa ngọt, béo, đậm đà. Có khi chiếc mâm trên đôi quang gánh lại có thêm món chè chuối, bánh đúc, bánh tằm trộn dừa… Tảo tần vậy đó mà người con út của dì đã bước vào cổng trường đại học.

Phong phú mà bộn bề

Ở Sài Gòn có thời người ta phải đi khai phá các vùng đất mớiù. Bây giờ thiên hạ lại ly nông kéo vào thành phố và trong đó không ít người kiếm miếng cơm bằng thúng mẹt, quang gánh. Giờ đây, rảo bước trên bất kỳ mọi hè phố ta “đụng” biết bao vô vàn đồ ăn thức uống. Những món ẩm thực có thể hiện diện trên những chiếc xe đẩy, trên cái sạp gỗ đặt ở vỉa hè, trên chiếc bàn kê dưới mái hiên… hay trong những cái soong nồi, thau thùng đặt trong quang gánh. Chị H., chị Tư chỉ độc một món xôi, chứ nhiều gia đình đông con sống vào nghề buôn bán thường tranh thủ sáng bán điểm tâm, chiều xoay qua món… nhậu, hoặc chí ít một gánh hàng nhưng có tới ba, bốn món ăn. Dì Sáu Hiệp, trước đi lập nghiệp ở Bà Rịa, giờ nhập cư trở lại thành phố, tâm sự: “Buôn bán như cái “nghiệp” chú ơi, vừa rồi tôi tính chuyển sang lập trại chăn nuôi, nhưng đùng cái dịch cúm gia cầm bùng phát khắp nơi nên tôi đành bỏ cuộc. Thế là cái nghề buôn bán lại cứ đeo đẳng nên đành trở về… phơi lưng trên hè phố”.

Dân nhập cư 3 miền đổ vào TPHCM càng đông nên các món ăn đặc trưng cho mỗi vùng càng thêm phong phú. Thịt cá sấu, tay gấu, ba ba, kỳ đà, rồng đất… bây giờ đâu hiếm. Từ lẩu cá kèo - nướng ống tre, gà ác, gà tre, bồ câu hầm thuốc bắc đến chân, cánh gà, cút nướng, bê thui nhan nhản các vỉa hè. Hiện nay bánh tráng Trảng Bàng, mì Quảng, bún bò Huế… nhường chỗ cho lẩu mắm cá trèn, cá lóc Châu Đốc, bún cá rô đồng, bún cá linh, bún nước lèo Sóc Trăng, bún chả cá Ninh Thuận… Đường phố lâu nay nổi lên nhiều cụm bán thức ăn chuyên biệt như phố bột chiên ở chợ Phạm Thế Hiển, đường Võ Văn Tần (quận 3) hay phố đặc sản cá kèo ở quận 3, vịt quay Đa Kao, Tôn Thọ Tường, Tạ Uyên, Minh Phụng, cá lóc nướng Bà Điểm (Hóc Môn) và trên đường Hà Huy Giáp (quận 12)… Dĩ nhiên càng có nhiều “cụm” ăn uống chừng nào thì quang cảnh ở những nơi đó càng thêm phức tạp, bát nháo, bộn bề.

Trăm người bán - vạn người... ăn

Có cầu ắt có cung, đó là quy luật chuyển động của nền kinh tế. Tôi có đám cháu “sính” ăn đêm, mỗi khi sự réo gọi của bao tử thôi thúc là chúng nó kéo tôi đi ăn bột chiên trên đường Võ Văn Tần, sau đó là “tăng hai” các món đặc sản miền biển ở phố thủy hải sản cạnh chân cầu Nguyễn Tri Phương… Có đêm cao hứng chúng vọt lút ra tận khu Đèn 5 ngọn quận 5 gần chợ vải Đồng Khánh để ăn cháo gỏi, dù rằng nơi đây lúc nào cũng chật ních người ăn mà giá cả  không bình dân chút nào. Gần đây ít thấy cháu đi ăn đêm, hỏi lý do chúng dẫu miệng nói: “Độ này xe cộ đông đúc, đi chi cho mệt cậu ơi. Trước nhà rần rần mì gõ, bánh bèo, gỏi cuốn, bò bía, cháo huyết… Muốn ăn “hê” lên một tiếng họ bưng tới nhà, khỏe ru!”.

Nhu cầu ẩm thực của người lao động cũng hình thành tiếng tăm cho nhiều khu phố ăn uống, như phố ăn Chợ Lớn hoạt động từ năm 2003, “cơm tấm ma” Bình Thạnh, cháo vịt Thanh Đa, “bánh canh bụi đời” ở quận 6, khu phố ốc Nguyễn Thượng Hiền quận 3… Thỉnh thoảng tôi hay ghé điểm tâm ở góc vỉa hè ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Điện Biên Phủ, ăn ở đây có cái thú là hè phố rộng rãi sạch đẹp, vừa lót dạ vừa “ủng hộ” người bán, lại được quan sát dòng chảy nhộn nhịp của mạch sống buổi đầu ngày. Dọc theo hè đường khu vực này có vài chục điểm bán thức ăn đồ uống, trong chiếc xe đẩy bọc nhôm ba mặt có kiếng che, cô bán hàng bày lỉnh kỉnh tới bốn, năm món nào là: cơm tấm bì chả, bánh cuốn, bánh mì thịt, hột gà ốp la…, phía trước có thêm nồi xôi mặn và kèm bên hông là nồi bánh bao bốc khói. Bên dăm chiếc bàn nhựa thấp, tôi và mấy người khách đôi khi phải chờ đợi vì có những chiếc xe máy tách khỏi dòng chảy trên đường tấp vào… Người bán thoăn thoắt đôi bàn tay đeo găng tranh thủ gói… Những chiếc túi xốp chứa thức ăn nhét vội vào giỏ xách, rồi từng chiếc xe lách ra nhường chỗ cho người khác ghé vào… Họ là dân lao động đủ mọi ngành nghề - những người do công việc, phải hối hả đi sớm không kịp ăn sáng ở nhà - và thức ăn hè phố đã tận tình phục vụ…

HẢI ANH

Tin cùng chuyên mục