Bóng đá Việt và ông già Noel

Cứ đến mùa Giáng sinh, lại nhớ đến Henrique Calisto, HLV người Bồ Đào Nha từng có 10 năm làm việc cho bóng đá Việt Nam. Với một người châu Âu, Giáng sinh là một kỳ lễ đặc biệt quan trọng nên dù làm gì, ở đâu, họ cũng tìm cách về nhà họp mặt cùng gia đình. Riêng Calisto, có đến 2 lần ông đã không thể về quê hương nghỉ Giáng sinh. Một lần hồi năm 2002 khi đội tuyển Việt Nam vào bán kết Tiger Cup ở Indonesia và lần thứ 2, tất cả người yêu bóng đá đều biết, đó là thời điểm mà Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2008. Cả 2 lần đó, chuyên gia người Bồ Đào Nha đã khóc một mình vì cô đơn trong phòng sau cuộc trò chuyện đường dài với người thân.

Bóng đá Việt Nam đã lâu không còn phải “bận bịu” trong dịp Noel, đơn giản là các chiến dịch như AFF Cup hay SEA Games đều kết thúc sớm vì đội tuyển thi đấu không thành công. Công cuộc phát triển bóng đá nước nhà cứ đứt gãy liên tục, từ năm 2009 đến nay, chúng ta chưa từng lọt vào đến một trận chung kết nào khác ở đấu trường khu vực và đương nhiên là không có quà.

Nhắc đến những kỷ niệm cùng Calisto nhân dịp Giáng sinh để thấy rằng, bóng đá Việt Nam cần những “ông già Noel” như Calisto. Đầu tiên, đó là phải biết trân quý các đóng góp của những chuyên gia nước ngoài đã và đang cống hiến chất xám cho bóng đá Việt. Kế đến, quan trọng hơn, bóng đá Việt Nam cần thêm những con người dám hy sinh những yếu tố cá nhân vì sự phát triển của nền bóng đá nói chung.
Trên thực tế, hiện có quá nhiều người nói hay nhưng ít người thực sự làm cho bóng đá Việt phát triển. Ví dụ như mới đây, một Phó chủ tịch của LĐBĐ Việt Nam (VFF) công khai lên tiếng phê bình đội tuyển quốc gia chơi quá xấu tại AFF Cup 2016 mặc dù ai cũng biết, những hành vi không đẹp, gây bất lợi cho đội nhà của một vài cầu thủ trên thực tế lại xuất phát từ chính môi trường thi đấu của V-League. Lỗi của cầu thủ là đương nhiên, nhưng tại sao không ai nhận trách nhiệm về việc các giải đấu nội địa thừa bạo lực, thiếu tính giải trí để rồi cầu thủ bị nhiễm thói quen xấu đến mức không kiểm soát được hành vi khi khoác áo tuyển quốc gia?

Hoặc ví dụ, cứ bảo tương lai của nền bóng đá nằm ở công tác đào tạo nhưng hiện nay, toàn bộ thế hệ tài năng từ U.19 dự World Cup đến U.22 dự SEA Games năm sau đều đến từ các lò đào tạo của tư nhân vốn được đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ 5 - 7 năm trước, trong khi ngay chính VFF có hẳn một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ đến từ tiền tài trợ của FIFA thì lại không thể “nuôi” nổi một lứa trẻ tập trung nào cho ra hồn.

Năm 2016 sắp trôi qua, bóng đá Việt Nam đã ghi những dấu ấn đặc biệt lớn trên đấu trường quốc tế với 2 suất dự World Cup của đội tuyển futsal và U.19. Tuy nhiên, công bằng mà nói, đó là thành quả những nỗ lực của một vài cá nhân đã âm thầm hy sinh suốt nhiều năm chứ không phản ảnh được sự phát triển của nền bóng đá. Đơn cử như lứa cầu thủ U.19 sẽ dự U.20 World Cup năm sau sẽ chẳng biết đi đâu - về đâu nếu như các CLB đều không có nhu cầu sử dụng cầu thủ trẻ, trong khi hệ thống thi đấu của VFF đang quản lý hiện nay chỉ thi đấu chưa quá 1 tháng/năm. Rồi ngay cả khi họ được thi đấu ở V-League hay giải hạng nhất, chưa kịp mừng thì mối lo khác lại lớn hơn nếu như môi trường thi đấu vẫn đầy bạo lực, nhiều nghi ngờ tiêu cực và thiếu những cú hích về tài chính. Xã hội đã cố gắng hết sức để chăm lo cho bóng đá Việt Nam nhưng có phát triển được hay không lại phụ thuộc vào những nhà quản lý, người điều hành liệu có tầm, có tâm, dám hy sinh cho sự nghiệp chung.

“Ông già Noel” Calisto có thể đem lại một danh hiệu lịch sử, nhưng chừng đó không thể đưa bóng đá Việt Nam lên tầm cao mới nếu những đóng góp của ông hay của một vài con người đơn lẻ khác không được ghi nhận một cách trân trọng và có sự nối tiếp. Bóng đá Việt không cần một ông già Noel mà thực sự cần nhiều hơn những người biết làm việc và dám hy sinh…

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục