“Bóng ma” khủng hoảng

Chỉ số chứng khoán trên toàn cầu trồi sụt thất thường, mất giá mạnh từ đầu năm 2016. Bên cạnh lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc và dầu thô, biện pháp bơm tiền vào hệ thống kinh tế để kích thích tiêu thụ và đầu tư được áp dụng từ Âu sang Á chưa đem lại kết quả mong muốn. Cùng lúc, nợ khó đòi của các ngân hàng có chiều hướng gia tăng. Liệu một cuộc khủng hoảng tài chính như hồi năm 2008 có đe dọa thế giới?

Chỉ số chứng khoán trên toàn cầu trồi sụt thất thường, mất giá mạnh từ đầu năm 2016. Bên cạnh lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc và dầu thô, biện pháp bơm tiền vào hệ thống kinh tế để kích thích tiêu thụ và đầu tư được áp dụng từ Âu sang Á chưa đem lại kết quả mong muốn. Cùng lúc, nợ khó đòi của các ngân hàng có chiều hướng gia tăng. Liệu một cuộc khủng hoảng tài chính như hồi năm 2008 có đe dọa thế giới?

Đây là câu hỏi được nhiều chuyên gia đề cập trong thời gian qua. Theo Le Figaro, trong danh sách các chứng khoán mất điểm mạnh có ngành ngân hàng. Chỉ số StoxxEuro600, thước đo “sức khỏe” của 600 ngân hàng của châu Âu trong 6 tuần lễ đầu 2016 đã trượt giá 28% và nếu so với thời điểm của tháng 4-2015 thì chỉ số này đã mất giá đến 42%.

Lo ngại của giới đầu tư xuất phát từ chỗ khả năng sinh lời của các ngân hàng dự báo cho năm 2016 bị thu hẹp. Có 2 lý do: Một là, các ngân hàng châu Âu đã cấp đến 3.500 tỷ EUR tín dụng cho các tập đoàn dầu khí. Trong bối cảnh giá dầu ở mức thấp như hiện tại, vấn đề liệu các các công ty dầu khí cỡ nhỏ và trung bình có đủ sức hoàn lại vốn cho ngân hàng hay không rất khó khẳng định. Theo nhà kinh tế trưởng của cơ quan tư vấn tài chính Oddo Securities, Bruno Cavalier, nếu kịch bản đen tối đó xảy ra, những thành quả còn èo uột về tăng trưởng và một vài tia hy vọng vừa lóe lên trên thị trường lao động châu Âu sẽ bị cuốn trôi.

Lý do thứ hai là những lo ngại về tăng trưởng càng lớn thì mức độ rủi ro đối với các ngân hàng càng cao. Cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ từng đưa ra những dự báo không mấy lạc quan về viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu trong năm 2016. Kinh tế Nhật Bản chưa phục hồi cho dù chính quyền Tokyo đã “bắn” cả 3 mũi tên trong chính sách vực dậy kinh tế Abenomics. Trung Quốc đang chuyển hướng mô hình kinh tế với hậu quả trực tiếp là tỷ lệ tăng trưởng không còn ở mức từ 8% - 10%/năm như mong đợi. Cả Brazil và Nga đang không ổn, duy có Ấn Độ là một ngoại lệ. Còn tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), trong cả năm 2015, GDP chỉ tăng có 1,5%...

Vậy kịch bản một cuộc đại khủng hoảng như hồi năm 2008 có lặp lại? Có người nói không, bởi năm 2008 khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ sau vụ Ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản vì nợ xấu. Khi đó, các ngân hàng châu Âu và Pháp đều cầm trong tay nợ xấu của các ngân hàng Mỹ, một ngành chiếm trọng lượng rất lớn trong các hoạt động kinh tế của Mỹ. Điều đó trái ngược với hiện tại, khi mà các ngân hàng châu Âu đang nắm giữ rất nhiều tiền. Thực lực tài chính của các ngân hàng trên thế giới nhìn chung cũng rất vững. Chưa kể, châu Âu trong 7 năm qua đã thành lập một hệ thống lá chắn chống khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng nợ công đang đe dọa thế giới. Từ năm 2008, nợ của nhà nước ở mọi nơi đều tăng lên rất nhanh, chủ yếu do chính phủ đứng ra bảo lãnh nợ của một số công ty. Chưa bao giờ lãi suất chỉ đạo trên thế giới lại thấp như hiện nay. Các chính phủ dễ dàng huy động vốn, dễ đi vay mà lãi phí ngân hàng không tăng thêm. Nếu như trong tương lai, lãi suất tăng lên một chút thôi là thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục