Bóng mát cuối đời

Ông bà ấy chắc khoảng hơn 80 tuổi. Ông đẩy vợ ngồi trên chiếc xe lăn luồn lách qua chỗ đông người bên trong Bệnh viện Mắt. Thấy ông, ai cũng vội nép vào nhưng bệnh viện quá người đông nên việc đi lại của chiếc xe lăn cũng rất khó khăn.

Hai vợ chồng già sau khi nạp sổ khám bệnh, ngồi chờ một cách lịch sự. Ông thỉnh thoảng lấy báo ra quạt cho bà. Có lẽ ông cũng lãng tai, vì tôi thấy mấy người nộp sổ sau đã được gọi vào trước, nên nhắc ông vào hỏi cô điều dưỡng. Ông từ tốn nói: Chắc mấy người kia điều chỉnh gì đó, chứ chú (ý nói tôi) đến sớm cũng chưa vào mà!

- Không! Cháu chỉ đưa người nhà đi khám bệnh, bác vào hỏi đi, kẻo chờ lâu.

- Vậy nhờ chú xem giúp bà nhà tôi! Rồi ông vội vã vào phòng khám.

Quả nhiên, người ta gọi tên ông từ nãy giờ, ông luống cuống quay ra đẩy bà vào. Một lát sau mới biết người bệnh là ông chứ không phải bà. Tôi thắc mắc, hỏi: Ông đi khám bệnh sao không để bà ở nhà cho khỏe. Ông bảo: Ở nhà không có ai. Một lần để bà ở nhà có nhờ người khác chăm sóc nhưng xảy ra  chuyện không vui nên thôi, từ đó đi đâu tôi cũng đẩy bà theo.

Một căn hộ vắng, có bà lão ngồi xe lăn một mình cũng đáng lo thật. Tự nhiên nhớ đến chuyện, ông đau mắt phải đi khám, vậy là một người mắt mờ phải đẩy xe cho một người đi không được. Càng ái ngại hơn khi lỡ bệnh nặng phải đi xét nghiệm, chụp hình, phẫu thuật, thì ai sẽ lo cho cả ông và  bà?

Trong suốt buổi nói chuyện, bà không nói gì chỉ nhìn ông. Còn ông nói chuyện nhà neo đơn một cách bình thản như đang nói chuyện của người khác. Ông một tay đi chợ, nấu ăn, chăm sóc tắm rửa cho bà đã nhiều năm nay. Con cái không nghe ông nhắc đến và tôi cũng chẳng dám hỏi đến vì sợ sẽ đụng vào nỗi đau nào đó mà ông không muốn nói ra.

Mua thuốc xong, sau khi che chắn kỹ khăn nón cho bà, ông chậm rãi đẩy bà đi về trong cái nắng nóng của đường phố buổi trưa. Cái bóng cây hiếm hoi, lung linh che phủ trên chiếc xe lăn như muốn tôn vinh cho một tình yêu hiếm gặp. Cầu cho bóng mát ấy sẽ trải dài trên đường ông đi về.

NGUYÊN AN

Tin cùng chuyên mục