Brazil đối mặt khó khăn

Những ngày này, chính trường Brazil đang trải qua đợt khủng hoảng nghiêm trọng do hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra để phản đối cách điều hành của chính phủ.

Mọi chuyện bắt nguồn từ việc phanh phui vụ tham nhũng lớn nhất tại Công ty Dầu khí quốc gia Brazil Petrobras vào tháng 3-2014; phát hiện mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do những doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil là đối tác của Petrobras cấu kết thành lập. Đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra trong vụ bê bối Petrobras. Khi vụ Petrobras đang diễn ra thì cũng vào tháng 3 vừa qua, cảnh sát Brazil phát hiện một vụ bê bối tham nhũng liên quan tới Bộ Tài chính, 70 ngân hàng và các doanh nghiệp.

Tổng thống Dilma Rouseeff rơi vào thế khó khi các đảng đối lập ở Brazil lợi dụng các vụ bê bối tham nhũng để gây sức ép đòi bà từ chức. Bà Rousseff từng đảm nhận chức vụ lãnh đạo Petrobras và đến nay không có bằng chứng nào cho thấy bà có liên quan tới vụ tham nhũng quy mô lớn này. Trong khi đó, sự ủng hộ của dư luận đối với Tổng thống Rousseff tụt dốc mạnh sau khi bà bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1-2015. Chỉ có 13% số dân Brazil hài lòng với cách thức bà Rousseff dẫn dắt đất nước.

Theo Bloomberg, nền kinh tế Brazil có dấu hiệu xuống dốc từ cuối năm ngoái cho đến nay. Bê bối chính trị đã kéo theo viễn cảnh kinh tế ảm đạm cho nền kinh tế đã từng được kỳ vọng trở thành một siêu cường của khu vực  Mỹ La tinh. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng của Brazil chỉ đạt mức 1,5% trong năm nay và tăng trưởng chỉ 1% trong năm 2016, tỷ lệ lạm phát gần 10% và thất nghiệp gia tăng. Đây là khoảng thời gian khó khăn cho Brazil - nền kinh tế thúc đẩy nhờ vào bùng nổ hàng hóa và đạt tốc độ tăng trưởng 7,6% trong năm 2010. Niềm tin kinh doanh tại Brazil đã tụt xuống mức thấp nhất. Lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ sụt giảm do thuế và lãi suất cao đã làm rất nhiều công ty sản xuất phải nhập khẩu hoặc mở nhà máy ở các quốc gia khác. General Motors Co. buộc phải tạm dừng hoạt động và cắt giảm việc làm của hàng ngàn lao động. Latam Airlines - hãng hàng không lớn nhất châu Mỹ Latinh hủy bỏ lịch trình nhiều chuyến bay vì không có đủ khách hàng.

Kỳ vọng rằng Brazil sẽ trở thành một siêu cường kinh tế ngày càng trở nên yếu ớt khiến hy vọng về nền kinh tế của khu vực Mỹ Latinh giữ vững mức tăng trưởng ổn định khoảng 3% cũng đang bị lung lay. Theo Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean (ECLAC), từ năm ngoái, đồng nội tệ của các quốc gia Mỹ Latinh đã có khuynh hướng suy giảm so với đồng USD. Nguyên nhân là do chính phủ của các nước xóa bỏ hoặc làm chậm lại các chương trình kích thích kinh tế, giá các mặt hàng cơ bản sụt giảm, nguồn vốn ở các thị trường quốc tế trở nên hạn hẹp hơn và đặc biệt là do sự suy giảm kinh tế ở các đầu tàu kinh tế như Brazil. Theo dự báo mới nhất của ECLAC, nền kinh tế của các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribbean sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 0,5% trong năm nay. Tình trạng trì trệ này sẽ làm chậm tiến trình tạo việc làm trên thực tế, giảm chất lượng việc làm cũng như mức lương, đồng thời hạn chế số lượng người dân được hưởng an sinh xã hội.


THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục