Việc Tòa Thượng thẩm của Anh ra phán quyết Chính phủ Anh phải có được sự phê chuẩn của Quốc hội mới được phép khởi động quy trình rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) (hay còn gọi là Brexit) có thể đảo lộn kế hoạch của Thủ tướng Anh Theresa May về Brexit. Phán quyết này có thể sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu chưa từng có tiền lệ khi Chính phủ Anh cho biết sẽ kháng cáo quyết định trên.
Đòn bất ngờ
Tuyên bố của Chính phủ Anh được đưa ra ngay sau khi Tòa án Thượng thẩm ở London trao quyền cho Quốc hội - cơ quan lập pháp của nước này - chứ không phải chính phủ thông qua việc khởi động Brexit. Các thẩm phán cho phép Chính phủ Anh kháng cáo Tòa Thượng thẩm, cơ quan tư pháp cấp cao nhất của Anh và đơn kháng cáo sẽ được giải quyết trong thời gian từ ngày 5 đến 8-12.
Nhiều người Anh vui mừng trước phán quyết của Tòa Thượng thẩm
Theo kế hoạch, cuối tháng 3-2017, Thủ tướng May sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Tuy các luật sư của Thủ tướng Theresa May nói rằng bà có quyền tiến hành thủ tục Brexit, nhưng 3 thẩm phán cấp cao của Tòa án Thượng thẩm Anh khẳng định, Thủ tướng không có quyền hành pháp để kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, bắt đầu tiến trình Brexit dự kiến kéo dài 2 năm. Họ tuyên bố: “Luật căn bản nhất của Hiến pháp Anh quy định Quốc hội là cơ quan tối cao, có quyền can thiệp vào một luật và chuyện này đã có từ hàng trăm năm qua, vì thế chính phủ không thể hành động vượt quyền Quốc hội được”.
Với diễn biến bất ngờ này, có vẻ như thời hạn tháng 3-2017 sẽ không còn kịp vì Quốc hội Anh phải thảo luận và bỏ phiếu, nếu chính phủ không thành công trong việc lật ngược kiện phán quyết của Tòa Thượng thẩm. Trong khi đó, tại Quốc hội, số nghị sĩ phản đối Brexit lại đông hơn số người ủng hộ.
Thị trường ảnh hưởng nhẹ
Liên quan đến phán quyết của Tòa Thượng thẩm và việc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hủy bỏ kế hoạch cắt giảm lãi suất sau diễn biến bất ngờ trên, trong ngày 3-11, có thời điểm bảng Anh đã tăng 1,5% giá trị so với USD, lên mức 1 bảng đổi được 1,2494USD, cao nhất trong 4 tuần qua. Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng, phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh chỉ có tác dụng nhất thời và ít có khả năng ngăn cản được kế hoạch khởi động Điều 50 Hiệp ước Libson. Do vậy, việc bảng Anh tăng giá trở lại ngày 3-11 chỉ là sự điều chỉnh ngắn hạn trong đà mất giá kéo dài từ sau khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6 vừa qua.
Theo giới phân tích, nếu Chính phủ Anh không thể cãi thắng tòa án, quá trình Brexit có thể bị giam lỏng nhiều tháng ở Quốc hội bởi những tranh luận của các nghị sĩ ủng hộ Anh ở lại EU. Nhiều nhà đầu tư tin rằng, việc Quốc hội can thiệp nhiều hơn vào quy trình Brexit sẽ làm giảm ảnh hưởng của các bộ trưởng trong chính phủ của bà May, những người vốn ủng hộ mạnh mẽ Brexit. Sự can thiệp của Quốc hội có thể sẽ làm giảm khả năng về một cuộc “Brexit cứng” - kịch bản trong đó Anh ưu tiên các biện pháp kiểm soát nhập cư chặt chẽ thay vì ưu tiên ở lại trong thị trường chung châu Âu.
Mỹ đã thúc giục Anh và EU bảo đảm một tiến trình đàm phán linh hoạt, êm thấm và hiệu quả tiến trình Brexit. Người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schutlz cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp tục chủ động theo dõi các diễn biến tài chính, kinh tế và tham vấn các đối tác quốc tế để hỗ trợ tăng trưởng và ổn định tài chính tại châu Âu cũng như trên thế giới. Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề châu Âu của Quốc hội Đức Gunther Krichbaum nói rằng, EU cần làm rõ ý định của Anh về việc rời khối này trước tháng 3-2017 nhằm tránh những xáo trộn cho các cuộc bầu cử ở châu Âu vào năm 2019.
HẠNH CHI (tổng hợp)