Brexit trên bàn Hội nghị thượng đỉnh EU

Ngày 29-6, trong khuôn khổ ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Brussels (Bỉ), Liên minh châu Âu (EU) tiến hành một cuộc họp chỉ có lãnh đạo 27 nước thành viên mà không có sự tham dự của Thủ tướng Anh David Cameron. Cuộc họp thảo luận về những cải cách cần thiết trong EU nhằm duy trì sự thống nhất của khối trong bối cảnh bất ổn ở Anh không ngừng lan ra các nước thành viên EU sau việc Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU (Brexit).
Brexit trên bàn Hội nghị thượng đỉnh EU

>> Hậu Brexit - EU buộc phải cải cách

Ngày 29-6, trong khuôn khổ ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Brussels (Bỉ), Liên minh châu Âu (EU) tiến hành một cuộc họp chỉ có lãnh đạo 27 nước thành viên mà không có sự tham dự của Thủ tướng Anh David Cameron. Cuộc họp thảo luận về những cải cách cần thiết trong EU nhằm duy trì sự thống nhất của khối trong bối cảnh bất ổn ở Anh không ngừng lan ra các nước thành viên EU sau việc Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU (Brexit).

Nỗi lo mới của nước Anh

Ngày 29-6, phát biểu trong phiên chất vấn Thủ tướng tại Quốc hội Anh, Thủ tướng Cameron cảnh báo nước Anh sẽ đối mặt với thời kỳ kinh tế khó khăn hậu Brexit, song nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ không bãi bỏ những quy định giới hạn chi tiêu công.

Cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm đến Brussels diễn ra đúng vào thời điểm các nhà lãnh đạo EU tiến hành Hội nghị thượng đỉnh, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố Scotland quyết tâm ở lại EU bất chấp Brexit. Giới phân tích nhận định Thủ hiến Sturgeon - người chủ trương Scotland độc lập khỏi Anh - nhân chuyến thăm lần này cũng muốn đề cập đến các lựa chọn liên quan đến việc Scotland ở lại EU một khi nước Anh hoàn tất tiến trình Brexit và Edinburgh độc lập khỏi Vương quốc Anh.

Du học sinh tại Anh trước nỗi lo làn sóng bài ngoại

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử với phần thắng nghiêng về Brexit đã đẩy Vương quốc Anh vào tình trạng bất ổn cả về kinh tế và chính trị khó khăn hơn. Vấn đề mới bùng phát ở Anh hiện nay lại là làn sóng bài ngoại.

Thủ tướng Anh David Cameron, ngày 29-6, đã lên án các hành vi kỳ thị, bài ngoại đối với cộng đồng người Hồi giáo và những người dân khác có nguồn gốc di cư đang sinh sống tại Anh. Ông Cameron cũng cam kết bảo vệ cộng đồng người nước ngoài tại Anh, đặc biệt là 790.000 người Ba Lan, sau khi xuất hiện các truyền đơn công kích, miệt thị nhằm vào người Ba Lan đã được phân phát tại Huntingdon, miền Đông nước Anh và hình vẽ graffiti đã xuất hiện tại trung tâm văn hóa Ba Lan ở thủ đô London hôm 26-6, 3 ngày sau Brexit. Hội đồng người Hồi giáo tại Vương quốc Anh (MBC) cho biết, kể từ ngày 24-6, tức là ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố với phần thắng thuộc về phe Brexit, hàng trăm vụ xúc phạm, báng bổ người theo đạo Hồi đã xảy ra.

Nỗi lo làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng phát có nguy cơ gây bất ổn xã hội Anh đã hiện hữu trong những ngày qua. Nguy hiểm hơn, theo nguồn tin từ cộng tác viên của Báo SGGP, làn sóng này cũng đã bắt đầu xuất hiện nhằm vào du học sinh nước ngoài. Năm 2016 sẽ là năm đầy nguy hiểm của Anh khi vừa đối mặt với nỗi lo ổn định kinh tế, vừa đối mặt với làn sóng cực đoan.

Điều kiện của Anh và EU

Ngày 28-6, Thủ tướng Cameron cũng từ chối yêu cầu của các lãnh đạo khác về việc chính thức bắt đầu quy trình đưa Anh ra khỏi EU và cho rằng đây là nhiệm vụ của thủ tướng sắp tới của Anh.

Trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU ở thủ đô Brussels (Bỉ), Thủ tướng sắp rời nhiệm sở của Anh David Cameron cho rằng, EU nên cân nhắc cải cách các quy định liên quan tới tự do đi lại giữa các nước thành viên và coi đây là một trong những điều kiện “căn bản” trong việc xây dựng mối quan hệ “gần gũi nhất có thể” giữa quốc gia này với toàn khối sau sự kiện Brexit.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo trong EU ngày 29-6 đã nhất trí rằng Anh không thể tiếp cận thị trường chung EU sau khi rời khỏi liên minh này mà không chấp nhận các quy tắc về dịch chuyển tự do của khối.

Phát biểu họp báo sau cuộc họp của 27 lãnh đạo EU, ông Donald Tusk nói: “Sẽ không có sự tự chọn về thị trường chung. Các nhà lãnh đạo ngày hôm nay đã làm rõ rằng việc tiếp cận thị trường chung đòi hỏi sự chấp thuận tất cả 4 nguyên tắc tự do bao gồm cả tự do dịch chuyển”.

Ông Tusk cho biết thêm, 27 nhà lãnh đạo EU cũng sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao - mà không có sự tham dự của Anh - tại Bratislava vào ngày 16-9 tới để tiếp tục thảo luận về hậu quả của việc Anh quyết định rời liên minh.

Thừa nhận Brexit sẽ khiến EU mất đi một trụ cột quân sự quan trọng, phát biểu tại hội nghị, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh - đối ngoại của EU Federica Mogherini đã kêu gọi EU củng cố năng lực quốc phòng. Bà Mogherini nhấn mạnh, người dân các nước châu Âu phải có trách nhiệm hơn với an ninh của khối, theo đó nâng cao năng lực phát hiện, phản ứng kịp thời và bảo vệ hiệu quả chính mình trước các mối đe dọa bên ngoài.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục