Bức tranh đa sắc về hình tượng người chiến sĩ

Sau 3 tuần diễn ra liên tục, Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần IV năm 2020 đã chính thức khép lại với lễ tổng kết, trao giải vừa được tổ chức tại Hà Nội. 33 vở diễn chỉ với một chủ đề quả là thách thức không nhỏ đối với các đơn vị nghệ thuật. 

Nhiều vở diễn đã khai thác rất thật về đời sống, chiến đấu, lao động, học tập của người chiến sĩ công an, để lại ấn tượng khó quên trong lòng công chúng.

Bức tranh đa sắc về hình tượng người chiến sĩ ảnh 1

Tại liên hoan, nhiều đạo diễn với tâm thế của người trong cuộc, đã đưa đến sân khấu nhiều cách thể hiện mới, dung dị mà giàu cảm xúc. Có những cảnh rượt đuổi không hề có tiếng súng nhưng vẫn căng thẳng và gay cấn; diễn biến tâm lý được nuôi dưỡng dưới góc nhìn nhân văn, hướng tới sự thức tỉnh…

Có vở tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an và người thân vì sự bình yên và an toàn xã hội như Bộ cảnh phục của Nhà hát Tuổi Trẻ; có vở khai thác hoàn cảnh éo le khi nữ cảnh sát đang làm nhiệm vụ yêu đối tượng điều tra, qua góc nhìn nghệ thuật không hề bị phản cảm như Bão ngầm của Nhà hát Cải lương Việt Nam...

Trong 33 vở diễn sân khấu, một số vở đã đã mạnh dạn khai thác các đề tài khó và nhạy cảm như công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng; phòng chống tội phạm phi truyền thống như tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy xuyên quốc gia, buôn tiền, khủng bố…

Đại tá, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an, Phó Trưởng ban tổ chức liên hoan cho rằng, các vở diễn đã đề cập được đến nhiều lĩnh vực của lực lượng CAND, chạm đến cả những lĩnh vực bị cho là nhạy cảm, chưa được khai thác ở các kỳ liên hoan trước. Vẫn sống của Nhà hát Công an nhân dân kể về cuộc chiến đấu không khoan nhượng của lực lượng cảnh sát với bọn tội phạm ma túy.

Tái sinh của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đề cập về cuộc đấu tranh của lực lượng công an với các loại tội phạm, trong đó, bên cạnh sự mưu trí dũng cảm, người chiến sĩ CAND phải thực sự có bản lĩnh và ý chí mạnh mẽ để vượt qua những thế lực vô hình “chống lưng” cho các đối tượng tội phạm.

Theo nhận định của những người trong nghề, đáng tiếc là vẫn còn một số vở chưa có nhiều đổi mới. Nội dung xoay quanh những câu chuyện quen, mô típ cũ khiến người xem đoán biết được diễn biến; tính kịch của tác phẩm vì thế cũng không còn sắc nét nên sức hấp dẫn của vở diễn bị giảm đi ít nhiều.

Ban tổ chức đã trao 7 huy chương vàng cho các vở: Nhân danh công lý của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Tái sinh (ảnh) của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Vụ án Am Bụt Mọc của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Ngày trở về của Nhà hát chèo Quân đội, Tình bạn và công lý của Sân khấu Lệ Ngọc, Kẻ trộm của Nhà hát kịch Hà Nội, Vẫn sống của Nhà hát CAND; 9 huy chương vàng cho các nghệ sĩ xuất sắc tham gia liên hoan.

Tin cùng chuyên mục