Xây dựng văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên TPHCM

Bức xúc và cần thiết!

Văn hóa giao thông xuống cấp trầm trọng
Bức xúc và cần thiết!

Thời gian gần đây, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe trái phép, chạy xe gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, thiếu hòa nhã khi va chạm giao thông… đang ngày càng trở nên phức tạp, khiến dư luận xã hội không khỏi lo ngại. Sáng 21-10, Sở VH-TT-DL TPHCM phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM tổ chức hội thảo “Giải pháp xây dựng văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên TPHCM”.

Nhiều người vẫn vô tư chạy xe trên vỉa hè. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Nhiều người vẫn vô tư chạy xe trên vỉa hè. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Văn hóa giao thông xuống cấp trầm trọng

Đó là lời nhận xét của TS Nguyễn Văn Nghệ, thuộc cơ quan T48 Bộ Công an khi nói về thực trạng văn hóa giao thông trong giới trẻ hiện nay. Thực tế đã không dừng lại ở những vi phạm thông thường như không đội nón bảo hiểm, chở quá quy định, chạy xe trong khi đã uống rượu bia, đi vào đường cấm, không giấy phép lái xe…, tình hình văn hóa giao thông của thanh thiếu niên TPHCM đang có nhiều diễn biến rất phức tạp.

Nếu nạn tụ tập đua xe trái phép, chạy xe gây rối trật tự công cộng lâu nay khiến nhiều cơ quan chức năng đau đầu, thì gần đây, xu hướng hành xử thiếu kiềm chế, thậm chí gây bạo lực đang khiến nhiều đại biểu hết sức lo lắng.

Tại quận Thủ Đức, một đôi nam nữ chạy xe Attila va quẹt nhỏ với một xe khác do hai người đàn ông điều khiển nhưng không ai chịu ai, người thanh niên đi xe Attila rút dao đâm khiến hai người trên xe kia tử vong. Tương tự, vụ án xảy ra mới đây tại giao lộ Cống Quỳnh - Bùi Thị Xuân (quận 1) khiến 2 thanh niên bị đâm chết tại chỗ. “Chỉ vài vụ thế này cũng đủ cho chúng ta thấy thực trạng văn hóa giao thông tại các đô thị lớn như TPHCM đang xuống cấp nghiêm trọng. Cốt lõi vụ việc chỉ là những va chạm không đáng, do các bên không tuân thủ luật giao thông”, TS Nguyễn Văn Nghệ nhìn nhận.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình khi cho rằng, thay vì chửi, đánh nhau, đôi khi chỉ cần một lời xin lỗi có thể hóa giải sự việc. Và mới đây, kết quả điều tra của Ban ATGT đã khiến nhiều người giật mình: 80% người bị xử lý vi phạm ATGT độ tuổi từ 16 - 35; gần 80% sinh viên đi xe máy không giấy phép lái xe; hầu hết học sinh THPT hầu hết không có giấy phép nhưng vẫn điều khiển xe máy.

Vì đâu nên nỗi?

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, TS Đinh Phương Duy, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TPHCM cho rằng, có nhiều trường hợp các em nhìn thấy và làm theo những cái sai của người lớn, dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, muốn thể hiện cái tôi, thiếu kỹ năng sống dẫn tới những hành động bốc đồng, ứng xử không kiềm chế. Thế nên, những tác động tích cực từ người lớn, tấm gương từ ông bà, cha mẹ, sự giáo dục từ nền tảng gia đình… là nhân tố quan trọng góp phần giúp các bạn trẻ ý thức được giá trị của bản thân, gia đình, của cộng đồng và biết hành xử hợp lý để bảo vệ những giá trị đó.

Đồng tình với ý kiến của ông Duy, đại diện Phòng công tác HS-SV, Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ: “Đôi khi, chính những bậc cha mẹ là người tiếp tay cho con em họ vi phạm pháp luật ATGT. Rõ ràng ai cũng biết học sinh THPT chưa được phép điều khiển xe máy nhưng nhiều vị phụ huynh vẫn cho con em chạy xe”.

Phó Giám đốc thường trực Sở VH-TT-DL Nguyễn Tuấn Việt kể, không chỉ cho con em chạy xe vô tư, nhiều người còn năn nỉ xin bỏ qua khi con em bị xử lý vi phạm ATGT. Điều này tạo thói quen, khiến bạn trẻ dựa dẫm vào cha mẹ thiếu ý thức tuân thủ pháp luật.

Đổi mới phương thức tuyên truyền giáo dục

Làm cách nào để xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên hiện nay đã trở thành vấn đề nóng bỏng, mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo TP, bởi đây là đối tượng chủ yếu tham gia giao thông ở TP. Thời gian qua, số vụ TNGT nghiêm trọng, chạy xe gây rối trật tự ATGT phần lớn do thanh thiếu niên gây ra và số người chết do TNGT độ tuổi thanh thiếu niên cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. Bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng Phòng VH-TT quận 3 cho rằng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành ATGT cần thiết nên linh hoạt hơn, nên chăng lồng ghép vào những buổi sinh hoạt tập thể, tuyên truyền qua những phiên tòa giả định hay tuyên truyền bằng những ca khúc âm nhạc, thay vì chỉ có những khẩu hiểu dài khó nhớ.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM Nguyễn Ngọc Tường cho biết những ý kiến và giải pháp từ hội thảo này sẽ được tổng hợp và trình UBND TP để TP có những chương trình hành động kịp thời về xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên. Trước mắt, Ban ATGT TP sẽ phối hợp cùng Sở GD-ĐT, Thành đoàn TNCS TPHCM để tổ chức những vệt tuyên truyền dài hơi cho đối tượng HS-SV và thanh niên công nhân.

* Từ đầu năm 2010 đến nay, lực lượng CSGT Công an TPHCM đã phát hiện và giải tán 238 tốp tụ tập đua xe, lập biên bản 2.538 trường hợp vi phạm, gồm 318 vụ lạng lách, 51 vụ biểu diễn, 632 vụ lưu thông thành đoàn, 705 vụ dàn hàng ngang, 433 vụ pô nổ to và tạm giữ 2.495 xe.

Minh An

Tin cùng chuyên mục