Bụng đói trong nhà to

Bơi thúng... lên non
Bụng đói trong nhà to

Trở lại khu tái định cư Thủy điện Hà Nang (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) sau hơn 5 năm nhà máy này phát điện và cũng ngần ấy năm hơn 130 hộ dân chuyển qua khu tái định cư mới. Những tưởng ngay bên cạnh nhà máy thủy điện to lừng lững vào bậc nhất nhì  Quảng Ngãi ấy đời sống người dân sẽ sáng sủa hơn, ít nhất là có thể dùng điện từ chính nhà máy này. Vậy nhưng, trái ngược hoàn toàn với những “viễn cảnh” ấy, các hộ dân này đang lâm vào cảnh thiếu ăn triền miên do không có đất sản xuất.

Người dân TĐC Thủy điện Hà Nang bơi thúng qua lòng hồ thủy điện về nơi ở cũ để canh tác, mưu sinh. Ảnh: HÀ MINH

Người dân TĐC Thủy điện Hà Nang bơi thúng qua lòng hồ thủy điện về nơi ở cũ để canh tác, mưu sinh. Ảnh: HÀ MINH

Bơi thúng... lên non

Đang là mùa đót nên khu tái định cư (TĐC) vắng lặng. Vài cụ già đang ngồi bó gối trước nhà bảo rằng phụ nữ và trẻ em đã kéo nhau vào rừng hái đót về đổi lấy tiền mua gạo. Còn thanh niên trai tráng thì men đường mòn lên tít trên đỉnh núi cao để tìm tổ ong lấy mật.

Thế nếu không hái đót, đốt tổ ong thì làm gì? “Đi chặt củi để đổi lấy gạo. Cứ 3 bó củi to thì đổi được 2kg gạo, cả ngày được một bó củi” - anh Hồ Văn Lương ở khu TĐC thôn 4 cho hay. Suốt 5 năm qua, hơn 400 người dân ở thôn 4 và tổ 1 thôn 1 (Trà Thủy) cứ gắng gượng theo điệp khúc đó để mưu sinh, chờ đợi đất sản xuất. Ông Hồ Văn Dương phân trần thêm: “Ngày trước ở nơi ở cũ, mình làm ruộng, trồng hơn 20ha quế, nuôi 20 con bò. Nhưng giờ đến nơi ở mới, không có đất sản xuất nên không thể trồng trọt được nữa. Bò bán hết để nuôi hơn 10 nhân khẩu trong nhà”.  Có ai biết, gia đình ông Hồ Văn Dương là gia đình sản xuất giỏi của xã Trà Thủy, nhưng từ khi qua nơi ở mới lại trở thành một trong những hộ nghèo, thiếu ăn. Dời sang nơi ở mới để nhường chỗ cho việc xây dựng thủy điện, thế nhưng hiện giờ đồng bào Cor nơi đây lại phải ăn cơm trong ánh đèn dầu. Nhà nào khấm khá lắm may ra mới mua được chiếc tuabin phát điện để tự làm ra điện từ sức nước. Thêm một nghịch lý nữa, là mặc dù nhà nào cũng có công trình nước sạch được xây dựng kiên cố, nhưng ngày nào bà con trong thôn cũng phải lặn lội xuống suối múc từng can nước về sinh hoạt. Bởi công trình nước sạch năm họa mười thì mới chảy.

Bên cạnh những hộ gia đình bám trụ lại khu tái định cư, thì hơn 20 gia đình khác lại chọn giải pháp quay về nơi ở cũ để sản xuất. Để về được đến nơi, họ phải băng rừng hơn 2 giờ đồng hồ hoặc chèo thúng qua lòng thủy điện sâu hoắm với hiểm nguy rình rập. Chị Hồ Thị Bông vừa khó nhọc neo chiếc thúng vào bờ vừa trầm ngâm trải lòng, sáng nào chị cũng rời nhà từ lúc 5 - 6 giờ sáng để ra lòng thủy điện chèo thúng về khu sản xuất cũ chăm sóc hoa màu và kiếm thêm ít vỏ quế. Không như chị Bông, đi về trong ngày, vợ chồng ông Hồ Văn Tra quyết định đóng cửa căn nhà khang trang mà nhà nước xây cho để về nơi ở cũ dựng lán trại ở tạm. “Ai lại không muốn ở trong nhà kiên cố. Nhưng ở nhà to mà bụng đói thì thà về chỗ cũ, tạm bợ hơn nhưng có củ mì, trái bắp no cái bụng hơn” - ông Tra phân trần.

Dù được đầu tư hệ thống nước sạch tự chảy nhưng người dân khu TĐC Thủy điện Hà Nang hiếm khi sử dụng được.

Dù được đầu tư hệ thống nước sạch tự chảy nhưng người dân khu TĐC Thủy điện Hà Nang hiếm khi sử dụng được.

“Ăn” vào rừng phòng hộ

Thiếu ăn, không có đất để canh tác nên người dân đành “bấm bụng” lấn dần diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn để kiếm kế sinh nhai, khiến công tác bảo vệ rừng gặp vô vàn khó khăn. Theo thống kê của ngành chức năng, toàn khu TĐC có hơn 130 hộ dân thì đã có gần 120 hộ thuộc diện nghèo. Nghèo sinh ra làm liều. Ngoài chặt đót, đốt tổ ong, những hộ dân này đành “ăn” vào rừng phòng hộ dù biết là sai. Anh Hồ Văn Bính thật thà: “Biết phá rừng là sai, nhưng nhà tôi có đến 6 người. Nếu không “ăn” vào rừng thì không biết lấy gì để no cái bụng. Có gỗ thì có gạo, không có gỗ, cả nhà nhịn đói”!.

Dọc tuyến đường đi vào khu tái định cư, những cây gỗ từ lớn đến nhỏ đều đã bị đốn hạ sạch sẽ, những ngọn đồi trọc trơ. Gỗ lớn thì được cưa, xẻ tại chỗ để lấy gỗ, còn những thân cây nhỏ thì bị chặt ngã rồi bỏ lại nằm vương vãi khắp bìa rừng. Từng bó củi lớn được để chỏng chơ dưới lòng đường chờ ngày mang về. Đi ngang qua những “lâm tặc” bất đắc dĩ này, khi được hỏi đi đâu, ai nấy đều hồn nhiên thừa nhận: “Vào rừng đốn gỗ”! Ông Hồ Văn Tiến, trưởng thôn 4 cho hay: “Vì chưa giải quyết được tận gốc vấn đề cấp đất sản xuất cho người dân nên rất khó vận động mọi người ngừng phá rừng”. “Chính quyền địa phương kết hợp với hạt kiểm lâm tuần tra liên tục và dùng nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến răn đe, xử phạt nhưng để giải quyết vấn đề lương thực, người dân vẫn liên tục lén lút phá rừng” - ông Thanh Quí Dương, Chủ tịch UBND xã Trà Thủy, chẳng giấu giếm.

Khu TĐC nằm ngay trong khu vực rừng phòng hộ nên ngay khi người dân chuyển về nơi ở mới, Hạt kiểm lâm huyện Trà Bồng đã nhanh chóng thành lập tổ kiểm lâm túc trực nơi đây. Hàng ngày, cán bộ kiểm lâm phối hợp với công an viên của xã Trà Thủy lặn lội đường núi đi kiểm tra nhằm giữ lại diện tích rừng phòng hộ trọng yếu này. Nhiều lần phải “cắm bản”, ở luôn trên vùng rừng phòng hộ để kịp thời ngăn chặn những trường hợp phá rừng. Nỗ lực đi sớm về khuya, nhưng vì lực lượng kiểm lâm thì mỏng, còn người dân phá rừng lại đông nên nỗ lực bảo vệ rừng cũng chỉ dừng lại trong “giới hạn”. Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Trà Bồng cũng lắc đầu ngao ngán: “Mặc dù anh em kiểm lâm đã nỗ lực bám sát địa bàn nhằm bảo vệ rừng và tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của rừng. Nhưng người dân không có đất sản xuất, không định canh, không có lương thực để ăn nên rất khó để thuyết phục và ngăn chặn”.

Để người dân lâm vào cảnh định cư “trắng” định canh, theo một lãnh đạo huyện Trà Bồng, không thể trách doanh nghiệp (Công ty CP Xây dựng Thiên Tân), bởi trong thỏa thuận trước khi làm dự án thủy điện, doanh nghiệp có trách nhiệm làm khu TĐC, làm dịch vụ du lịch sinh thái, còn việc tái định canh, kéo điện là do chính quyền và ngành chức năng thực hiện. Huyện đã nhiều lần đề nghị khai phá 135ha cho dân sản xuất nhưng tỉnh chỉ đề nghị huyện Trà Bồng làm dự án tái định canh cho đồng bào với trên 100ha. Và dù dự án đã được gửi qua Sở NN-PTNT nhưng chưa đâu vào đâu cả.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục