Bùng nổ “đào tạo từ xa” ở châu Á

Sống trên đảo Fuvahmulak thuộc quần đảo Maldives ở Ấn Độ Dương, ông Abdulla Rasheed Ahmed, hiệu trưởng một trường trung học, không có nhiều lựa chọn để kiếm thêm tấm bằng bác sĩ. Trường đại học gần nhà ông nhất cũng phải mất một giờ bay mà lại không đào tạo ngành ông cần học.

Đã từng mất nhiều thời gian để lấy được tấm bằng cử nhân và thạc sĩ ở Malaysia, ông Abdulla không muốn hy sinh công việc và gia đình cho sự nghiệp học hành nữa, vì thế ông đã ghi danh vào Trường Đại học Điện tử châu Á (Asia e University), một viện giáo dục chuyên đào tạo qua internet ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Đối với ông Abdulla, “học trên mạng rất phù hợp đối với những người đang làm việc bởi bạn có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu”. Cũng như ông, nhiều sinh viên đang nhận ra rằng cơ hội học tập của họ không còn bị giới hạn về vị trí địa lý. Ông Wong Tat Meng, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học mở ở châu Á kiêm Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học mở Wawasan ở Malaysia, cho rằng: “Khái niệm về khoảng cách gần như không còn tồn tại trong mô hình giáo dục từ xa”.

Theo ông Wong, trào lưu đào tạo từ xa đã trở thành một phần của mặt bằng giáo dục bậc cao ở châu Á, với con số các trường đại học mở chuyên đào tạo trên mạng phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Internet phát triển ngày càng hoàn hảo dẫn đến bước nhảy vọt về lượng các trường đào tạo từ xa, đặc biệt là ở những nơi có cơ sở hạ tầng băng thông rộng tốt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore.

Trong số này, Hàn Quốc là quốc gia phát triển cách học điện tử tiến bộ nhất khi hầu hết các trường đại học đều có các khóa học hoàn toàn trên mạng. Trung Quốc, với 68 trường đại học trên mạng, cũng đang nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia phát triển giáo dục theo hướng này.

G. Dhanarajan, chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và là Giám đốc danh dự của Viện Nghiên cứu và đổi mới tại Trường ĐH mở Wawasan, nhận định trào lưu học trên mạng đã phổ biến nhiều với các khóa học chuyên ngành như công nghệ thông tin, kế toán.

Thế mạnh của các khóa học trên mạng là không giới hạn số sinh viên đăng ký. Học đại học qua mạng bùng nổ không chỉ vì nhiều người đi làm không có đủ thời gian để tham gia các lớp học trực tiếp, mà các trường đại học cũng không đủ chỗ để đáp ứng nhu cầu tham gia của sinh viên.

Các trường đại học tin rằng chỉ có internet mới trở thành cách tiếp cận cánh cửa đại học phổ biến nhất. Với những sinh viên ở những khu vực có dịch vụ internet không ổn định như Bangladesh, Campuchia, Nepal, Bhutan và Lào... việc hoàn thành chương trình học trên mạng thường khó khăn hơn vì phải phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng băng thông rộng và khả năng thông thạo ngoại ngữ.

Tuy nhiên, một trong những thử thách mà các trường đại học mở châu Á đang đối mặt là phải chứng minh chất lượng đào tạo đáng tin cậy. Đó là lý do các trường đại học ở châu lục này đang một mặt phát triển các chương trình đạo tạo riêng, mặt khác đang tăng cường hợp tác với các trường đại học có danh tiếng trên thế giới.

Báo New York Times cho biết, mới đây Asia e University đã hợp tác với Trường Thương mại quốc tế Scandinavia ở Đan Mạch trong chương trình đào tạo MBA cho sinh viên qua mạng như một cách khẳng định chất lượng đào tạo.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục