Bùng phát điểm nóng Trung Á

Sự leo thang căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia trong những ngày qua cho thấy đây là một điểm nóng ở khu vực Trung Á dễ dàng bùng nổ trong thời gian tới. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau gây ra cuộc xung đột làm hơn 30 người chết. Nguyên nhân dẫn đến vụ giao tranh nằm ở Nagorny-Karabakh - khu vực đã nảy sinh tranh chấp giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ từ nhiều năm trước.

Xung đột giữa hai nước bắt đầu từ năm 1988 khi vùng tự trị Nagorny-Karabakh chủ yếu là người Armenia sinh sống, đòi ly khai khỏi Azerbaijan. Đây là là vùng núi có dân số khoảng 150.000 người và có diện tích 12.000m2. Cuộc xung đột nổ ra từ năm 1988 đến năm 1994 làm 30.000 người chết và hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hiện khu vực này đang chịu sự kiểm soát của các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số Armenia có sự hậu thuẫn từ Chính phủ Armenia. Mặc dù hai nước đã đồng ý ngừng bắn nhưng vẫn luôn đưa ra các lời chỉ trích lẫn nhau và luôn sẵn sàng cho tình trạng chiến đấu.

Thái độ thù địch của Azerbaijan và Armenia cũng bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của hai nước. Armenia vốn là một đồng minh trung thành của Nga. Các căn cứ quân sự của Nga vẫn còn hiện diện trên lãnh thổ Armenia cho tới năm 2043, binh sĩ Nga hiện vẫn đang bảo vệ biên giới của Armenia với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Azerbaijan gần đây đã ngả mạnh sang phương Tây. Họ không chỉ cho phép hãng BP và các công ty năng lượng khác tiếp cận các nguồn dầu khí mà còn có quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ với Mỹ. Baku đã cho phép sử dụng sân bay làm một điểm trung chuyển lớn trong mạng lưới cung cấp hậu cần cho Afghanistan. Quân đội Azerbaijan cũng đang kề vai sát cánh với quân đội NATO. Azerbaijan còn là một quốc gia có đa số người Hồi giáo Shi’ite thế tục và có mối quan hệ chặt chẽ với người Sunni ở Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Cuộc giao tranh cho thấy, cho đến nay, những hoạt động hòa giải của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết tình trạng xung đột vẫn chưa đạt được tiến triển rõ rệt. Thời gian qua, kênh liên lạc giữa (Nga, Armenia, Azerbaijan) và nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) về Nagorny-Karabakh đã thực hiện hàng loạt nỗ lực mở ra hy vọng sẽ tiến tới đạt giải pháp cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, xung đột lại tiếp tục bùng phát mà không có dấu hiệu nào báo trước, đẩy nhân dân Nagorny-Karabakh vào lò lửa chiến tranh. Với Armenia, cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh là đòn đánh mạnh về kinh tế bởi Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với hai nước, do đó Armenia chỉ có thể thông thương với Gruzia và Iran qua đường bộ. Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) nhận định rằng có một thế lực đang muốn tiếp tục thổi ngọn lửa chiến tranh ở Trung Á và khu vực Caucasus. Thế lực ấy không hài lòng với sự thành công trong quá trình gìn giữ hòa bình nên đã làm gia tăng sự tức giận trong cuộc xung đột kéo dài đã lâu ở khu vực Nagorny-Karabakh. Đáng chú ý, Nagorny-Karabakh nằm không xa khu vực do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát và giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, Nagorny-Karabakh là khu vực rất nhạy cảm, tác động không nhỏ tới an ninh toàn khu vực, trong đó có Nga. Nếu xung đột leo thang không kiểm soát, nhiều khả năng IS sẽ lợi dụng cơ hội này để mở rộng hoạt động thay cho những khu vực đã bị mất kiểm soát tại Syria và Iraq.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục