Hôm nay 10-9, tiểu bang Năng lượng và Điện của Ủy ban Năng lượng và Thương mại thuộc Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô áp dụng từ 40 năm qua.
Cuộc bỏ phiếu trên diễn ra sau nhiều cuộc điều trần, thảo luận và vận động ở Đồi Capitol trong hơn một năm qua về việc liệu có thích hợp để tiếp tục hạn chế xuất khẩu dầu trong bối cảnh sản lượng dầu trong nước đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Mỹ đã trở thành nước sản xuất dầu thô và khí đốt lớn nhất thế giới trong năm 2014 nhờ sản lượng khai thác tại các mỏ dầu khí đá phiến tăng mạnh. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng nhiên liệu hóa thạch của Mỹ cao gấp hai lần so với Saudi Arabia.
Chính sách cấm xuất khẩu dầu mỏ được áp dụng năm 1975 để đối phó với lệnh cấm vận dầu mỏ của các nước Arab. Tuy nhiên, từ năm 2010, do sự bùng nổ công nghệ khai thác đá phiến đã khiến sản lượng dầu thô của Mỹ tăng vọt, mọi kho chứa đều phải hoạt động hết công suất. Các nhà lập pháp của ủy ban trên tin rằng đã đến lúc Mỹ đem một phần sản lượng dầu mỏ dư thừa của mình để xuất khẩu nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người dân và quốc gia. Dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 4 thập kỷ qua sẽ thúc đẩy sản xuất năng lượng trong nước, tạo công ăn việc làm và cải thiện an ninh năng lượng.
Hồi tháng 6-2015, các chuyên gia tại ĐH Havard cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ “lệnh cấm lỗi thời” này bởi nó đang làm giảm cơ hội thị trường cho các nhà sản xuất và làm giảm tăng trưởng của Mỹ mà không thể được đền bù bằng những nguồn lợi khác. Theo nghiên cứu của họ, dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ không chỉ bổ sung khoảng 23 tỷ USD vào ngân sách quốc gia vào năm 2030 mà còn có thể tạo thêm hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động Mỹ và mang đến cho nước Mỹ nhiều quyền lực hơn ở nước ngoài.
Nhưng không phải ai cũng chờ đợi lệnh cấm xuất khẩu dầu thô được dỡ bỏ. Một số người cho rằng thặng dư kho dự trữ dầu mỏ giúp kinh tế Mỹ chống lại những bất ổn từ bên ngoài và lo ngại cho phép xuất khẩu sẽ đẩy chi phí dầu mỏ trong nước của Mỹ tăng lên, khiến giá xăng trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho rằng, nếu Chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô, giá xăng tại Mỹ sẽ giảm. Nguyên nhân do giá xăng nội địa chịu tác động trước diễn biến của giá dầu Brent (chuẩn quốc tế) chứ không phải là dầu WTI (chuẩn Mỹ). Xuất khẩu dầu thô sẽ khiến dầu Brent giảm, trong khi đẩy giá dầu WTI lên. Bộ Năng lượng Mỹ cũng từng xác nhận giá xăng tại Mỹ chịu tác động từ giá dầu toàn cầu. Còn các nghị sĩ đảng Dân chủ và một số nhà môi trường thì lại muốn duy trì lệnh cấm xuất khẩu dầu vì theo họ, lịch sử nước Mỹ đã từng chứng kiến xuất khẩu dầu sẽ giúp đẩy lượng tiêu thụ lên nhưng cũng sẽ đẩy giá cả trong nước tăng.
Theo tờ The Hill, các nhà lập pháp của ủy ban trên đã trở thành những người đầu tiên xét lại luật được áp dụng từ 40 năm qua trong nỗ lực mở cửa thị trường dầu mỏ của Mỹ ra thế giới. Nhà Trắng chưa chính thức phản ứng lại trước các đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chính sách dầu mỏ Mỹ khó có thể có bước đột phá ngay trong thời gian tới, đặc biệt khi năm bầu cử 2016 đang đến gần và nhất là vấn đề mà cử tri đặc biệt quan tâm là giá xăng tăng cao.
HẠNH CHI