40 năm sau ngày thống nhất đất nước với gần 30 năm đổi mới và phát triển, ngành thương mại TPHCM đã “lột xác” theo hướng văn minh, hiện đại, thực sự là trung tâm thương mại quan trọng của cả nước.
TPHCM ngày càng có nhiều hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: CAO THĂNG
Thay đổi diện mạo
Quyết định xây dựng 3 chợ đầu mối: Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức để di dời 10 chợ đầu mối trong nội thành (đã xuống cấp nặng nề và nằm trong diện giải tỏa để xây dựng đại lộ Đông Tây) được xem là đầy mạo hiểm và táo bạo của lãnh đạo TP nói chung và ngành thương mại nói riêng. Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ và sự chung sức, chung lòng với người dân, thể hiện qua hàng loạt cơ chế, chính sách tạo nền tảng cho thương nhân “bén rễ” ở các điểm kinh doanh mới, TPHCM đã hoàn thành việc di dời chợ, trở thành địa phương duy nhất của cả nước thành công trong việc xây dựng và khai thác hiệu quả các chợ đầu mối. Từ đó đến nay, TP tiếp tục di dời, giải tỏa hàng trăm chợ lòng lề đường, cải tạo và xây dựng các chợ theo hướng văn minh, hiện đại.
Trở lại thời điểm trước khi di dời các các chợ đầu mối, trong giai đoạn 1991 - 2000, kinh tế TP đã có sự chuyển mình khá rõ nét sau 5 năm thực hiện đường lối mở cửa. Cuộc sống người dân được nâng lên, nhu cầu mua sắm đòi hỏi cao hơn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực thương mại, phân phối. Tháng 10-1993, siêu thị Minimart - siêu thị đầu tiên của TP ra đời đã mở ra hướng kinh doanh mới. Nhưng chỉ khi Saigon Co.op chính thức mở siêu thị Co.opMart vào tháng 2-1996, ngành thương mại TP mới thực sự chuyển mình. Sau đó, một loạt các siêu thị khác tiếp tục xuất hiện ở các quận trung tâm 1, 3, 5 và lan nhanh ra các quận vùng ven như Gò Vấp, Tân Bình... Giai đoạn sau năm 2005 đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ của hệ thống các cửa hàng HTX thương mại sang mô hình siêu thị Co.op hiện đại và đa dạng hàng hóa.
Tháng 1-2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO đã thổi một luồng gió mới cho ngành thương mại TP cũng như nhiều lĩnh vực dịch vụ khác. Thực hiện các cam kết từ WTO, Việt Nam đã mở cửa cho các DN nước ngoài tham gia vào lĩnh vực phân phối. Chỉ sau 5 năm mở cửa, thị trường TPHCM đã hội “đủ mặt anh tài” trong lĩnh vực bán lẻ trên thế giới, tạo động lực thúc đẩy nâng cao năng lực, kinh nghiệm tổ chức, quản lý của DN trong nước nói riêng và kênh phân phối hiện đại của TP nói chung.
Trung tâm thương mại - dịch vụ lớn nhất cả nước
Qua 40 năm hình thành và phát triển, hệ thống kênh phân phối TP đã có những bước chuyển biến tích cực không chỉ về lượng mà còn về chất. Các loại hình phân phối (chợ truyền thống, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, thương mại điện tử…) ngày càng phát triển đa dạng với cơ sở vật chất được nâng cấp đổi mới, cải tiến chất lượng dịch vụ, góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo ngành thương mại TP.
TPHCM không chỉ cân đối được cung - cầu mà còn tổ chức xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm cung ứng nguyên liệu để giải phóng sức sản xuất sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng. Năm 1990, kim ngạch xuất khẩu của TP chỉ đạt 850.000 USD, đến năm 1995 đạt gần 2,6 tỷ USD. Trong giai đoạn 2007 - 2014, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM đạt hơn 200 tỷ USD, bình quân tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Riêng năm 2014, TP là địa phương đầu tiên trong toàn quốc đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 32 tỷ USD, chiếm gần 1/3 xuất khẩu cả nước. Đáng chú ý là chất lượng xuất khẩu tiếp tục được nâng lên với tỷ trọng nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm gần 70%; nhóm hàng nông lâm thủy sản chiếm trên 22%. Hàng hóa của TPHCM đã vươn đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chất lượng hàng hóa đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhập khẩu của hầu hết các đối tác. Ngay cả trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, các DN đã tận dụng được nhiều tiềm năng xuất khẩu và chuyển hóa những tiềm năng ấy thành thu nhập cho dân cư và nền kinh tế.
Trong quá trình điều hành, TPHCM luôn là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách mới nhằm ổn định cung - cầu và giá cả hàng hóa. Điển hình như chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu đã tạo hiệu ứng lan tỏa, chất lượng hàng hóa đảm bảo và giá cả ổn định, góp phần bình ổn thị trường, an sinh xã hội. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, TPHCM lại tiên phong trong việc khơi thông nguồn vốn, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN, tạo điều kiện cho DN tiếp cận tốt các gói tín dụng giá rẻ; chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành để phát triển hạ tầng thương mại, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông… Từ các chương trình mở đường, đến nay TPHCM đã tập hợp, xây dựng được một đội ngũ DN mạnh, có đủ sức cung ứng hàng hóa với sản lượng lớn cho thị trường với giá cả ổn định.
40 năm một chặng đường chưa dài, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tìm tòi, giải quyết, đột phá, TPHCM đang vững vàng phát huy lợi thế vốn có, khai thác tốt tiềm năng, phấn đấu xây dựng TP thành một trung tâm thương mại - dịch vụ lớn nhất nước.
° Tính đến đầu năm 2015, TPHCM có 240 chợ; 40 trung tâm thương mại; gần 200 siêu thị; hơn 700 cửa hàng tiện lợi và 8.967 điểm bán hàng bình ổn. ° Năm 2014, thương mại - dịch vụ chiếm gần 59,2% GDP của TP, với tổng doanh thu đạt 655.365 tỷ đồng, tăng 12,7%, trong đó lĩnh vực thương mại chiếm 75,4%, tăng 13,9%. |
THÚY HẢI