Bước khởi đầu…

Nếu như năm 2005, kênh HTV9 và HTV7 chỉ có khoảng 300 tập phim phát sóng thì năm 2010, con số này đã tăng lên gấp 6 lần. Và bây giờ trên cả nước với 64 đài truyền hình, con số đã tăng đến trên dưới 5.000 tập phim/năm. Điều đó cho thấy vấn đề nhân sự cho các đoàn làm phim hiện nay là cực kỳ nan giải. Không nói thành phần chế tác chính cho một bộ phim là đạo diễn, biên kịch, quay phim, họa sĩ thiết kế mà gần như những bộ phận không thể tách rời trong một đoàn làm phim như thư ký trường quay, hóa trang, phục trang, đạo cụ, ánh sáng cũng luôn trong tình trạng khủng hoảng thiếu.

Hiện nay, do con số đạo diễn thành danh chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên các nhà sản xuất gần như có một thỏa hiệp ngầm là sử dụng những đạo diễn trẻ đứng dưới cái mũ của các cây đa cây đề. Đây cũng là một cách để các nhà đài chấp thuận đề án làm phim, cũng là để các đạo diễn trẻ bắt đầu sự nghiệp của mình, nhưng cũng từ đây mà cụm từ “thảm họa phim Việt” bắt đầu xuất hiện…

Ở thập niên 90, những đạo diễn trẻ được thử sức mình qua những bộ phim từ 1 - 2 tập. Cũng từ những bộ phim lẻ này mà đạo diễn Trần Mỹ Hà đã thành danh với “Giữa dòng”, Nguyễn Quang Dũng với “Con gà trống”, Vinh Hương với “Cánh chim mặt trời”, Khải Hưng với “Lời nguyền dòng sông”, “Mẹ chồng tôi”… Nhưng bây giờ khái niệm phim lẻ đã vô cùng xa lạ với phim truyền hình.

Vì vậy, những đạo diễn trẻ muốn được các nhà sản xuất chọn thì phải chấp nhận sự o ép rất khắc nghiệt, nhưng sự chọn lựa này cũng chứa đầy yếu tố may rủi, không hiếm phim đã phải dừng sóng nửa chừng vì sự non kém không thể chấp nhận của đạo diễn.

Ý thức được điều nan giải đó, từ năm 2006, Ban Sáng tác Hội Điện ảnh TPHCM đã đề xướng chương trình “Phim trẻ” tạo điều kiện cho các bạn trẻ yêu điện ảnh có cơ hội thể hiện tài năng của mình. Đến nay, hội đã tổ chức được 4 lần với 137 kịch bản phim ngắn tham dự. Mỗi năm, có từ 5 - 6 kịch bản đoạt giải và hội đã chọn 3 kịch bản xuất sắc nhất và tài trợ 20 triệu đồng/kịch bản để làm phim. Từ cuộc thi này, các bạn trẻ sẽ có cơ hội mang tác phẩm đến với các liên hoan nghề nghiệp trong nước và các liên hoan phim phim ngắn ngoài nước.

Cũng với trăn trở đó, từ năm 2009, Ban Sáng tác Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đã thành lập “Trung tâm Hỗ trợ, phát triển tài năng điện ảnh” với dự án “Chúng ta làm phim” được sự tài trợ của Quỹ Ford Việt Nam. Từ dự án này, đã có 60 bộ phim ngắn ra đời và được chọn lọc để trao giải Búp sen vàng cho 2 thể loại phim truyện ngắn và phim tài liệu. Gọi là Búp sen, vì ai cũng biết rõ đây chỉ là bước khởi đầu của những bạn trẻ yêu điện ảnh.

Năm 2011, Búp sen vàng được trao cho Bùi Thị Hà, một sinh viên Khoa Báo chí Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội với bộ phim “Những đứa trẻ” kể câu chuyện tình cảm động của đôi vợ chồng già ở Nga Sơn, Thanh Hóa.

Đây chính là công việc đãi cát tìm vàng mà cả hai Hội Điện ảnh Việt Nam và TPHCM cố gắng để soi tìm những tài năng mới chớm của điện ảnh. Tất cả mọi tài năng đều phải đi những bước khởi đầu trên con đường vạn dặm của nghệ thuật.

Ngày trước, bộ phim ngắn “Cuốc xe đêm” chính là bước khởi đầu của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, vì vậy, đây chính là cái mốc đầu đời để những người trẻ tự thể hiện mình. Và từ đây, họ sẽ tự khẳng định tài năng của mình bằng sự nỗ lực tự thân. Bởi tài năng là sự kết hợp giữa năng khiếu và sự rèn luyện không ngừng nghỉ. Và trên con đường nghệ thuật mênh mông, chắc sẽ không có chỗ cho người tự dừng lại, thỏa mãn với bước thành công đầu tiên này…

Ngô Ngọc Ngũ Long

Tin cùng chuyên mục