Bước lùi

Vừa qua, Sở Nội vụ TPHCM từ chối nhận các hồ sơ thi tuyển công chức có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế như TOEFL, TOEIC khiến không chỉ những người dự thi phản ứng mà dư luận cũng đặt vấn đề về tuyển chọn người giỏi, có năng lực vào các cơ quan nhà nước.

Vừa qua, Sở Nội vụ TPHCM từ chối nhận các hồ sơ thi tuyển công chức có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế như TOEFL, TOEIC khiến không chỉ những người dự thi phản ứng mà dư luận cũng đặt vấn đề về tuyển chọn người giỏi, có năng lực vào các cơ quan nhà nước.

Theo giải trình của Sở Nội vụ với UBND TPHCM, bằng TOEFL và TOEIC là chứng chỉ của nước ngoài, trong khi luật pháp Việt Nam quy định thi công chức ở các cấp độ yêu cầu chứng chỉ Anh văn A, B, C. Như thế, áp theo quy định hiện hành, việc từ chối nhận những hồ sơ thiếu bằng tiếng Anh A, B, C và dư chuẩn khi có bằng theo chuẩn quốc tế của Sở Nội vụ TPHCM không sai. Thế nhưng, câu chuyện đúng - sai này khiến chúng ta suy ngẫm nhiều điều. Thứ nhất, là việc vận dụng chủ trương của Sở Nội vụ TPHCM có cứng nhắc và không chú ý tới khuyến khích người tài, người giỏi, sử dụng ngoại ngữ tốt tham gia thi tuyển công chức. Thứ hai, việc từ chối bằng cấp tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế cũng là bước lùi trong công tác tuyển dụng nói chung và không tạo động cơ khuyến khích cán bộ, công chức phấn đấu học tiếng Anh đạt chuẩn. Tức là học thật, có năng lực sử dụng ngoại ngữ lưu loát, chứ không phải có chứng chỉ thật (A, B, C) làm đẹp hồ sơ công chức, viên chức nhưng chỉ làm kiểng, còn khả năng nghe, nói ngoại ngữ thì kém.

Theo các chuyên gia ngoại ngữ tiếng Anh, chứng chỉ tiếng Anh A, B, C hiện đã lạc hậu. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia (Đề án 2020) yêu cầu đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh phải được chuẩn hóa theo khung tham chiếu châu Âu. Không chỉ đổi mới việc dạy ngoại ngữ, ngành GD-ĐT cũng khuyến khích học sinh phổ thông, sinh viên các trường ĐH, CĐ hướng tới mục tiêu lấy chứng chỉ quốc tế TOEIC hoặc TOEFL. Tuy còn nhiều trở ngại nhưng nhiều trường ĐH đã đặt yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải có điểm TOEIC 450-550. Đó là chưa kể trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT cũng đưa ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc và dự kiến miễn thi môn này cho những thí sinh đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Trước sự chuyển động, thay đổi tư duy của ngành GD-ĐT cả nước, trong đó có TPHCM về đổi mới đánh giá trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế và thống nhất yêu cầu năng lực cho tất cả các ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, trình độ đào tạo cho thấy ngoại ngữ là môn học quan trọng - chìa khóa để hội nhập quốc tế thành công.

TPHCM luôn đi đầu trong các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Ngành GD-ĐT TPHCM đã chú trọng đổi mới cách dạy và học ngoại ngữ, mạnh dạn đưa nhiều chương trình tiếng Anh tiên tiến vào trường học, tạo sân chơi thử sức - lấy bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho học sinh ở các cấp độ. Vì thế, mặt bằng tiếng Anh của học sinh TPHCM vượt trội các địa phương khác và điều này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh, sinh viên, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thực tế này đòi hỏi cần chủ động thay đổi cách thức tuyển dụng công chức, viên chức để chọn lọc người tài, giỏi thực sự vào những vị trí công việc đòi hỏi trình độ cao, khả năng sử dụng ngoại ngữ đạt chuẩn. Bên cạnh đó, để xóa bỏ các quy định cứng nhắc về thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay, Bộ Nội vụ phải thay đổi tư duy, sửa đổi cơ chế, chính sách lạc hậu, không sát với thực tiễn về tuyển chọn nhân sự, chức danh công việc. Đừng để người tài, có năng lực bị loại ngay từ vòng đầu và chỉ tuyển những ứng viên có hồ sơ đẹp, hợp lệ theo quy định.

HOÀI ANH

Tin cùng chuyên mục