Bước ngoặt mới trong đàm phán Brexit

Theo tờ Sunday Telegraph ra ngày 2-7, lãnh đạo các doanh nghiệp ở nước Anh đã được thông báo chuẩn bị cho khả năng chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May có thể rút khỏi cuộc đàm phán rời EU, hay còn gọi Brexit, trong năm nay. 
Người dân London biểu tình phản đối chính sách tiết kiệm của Chính phủ
Người dân London biểu tình phản đối chính sách tiết kiệm của Chính phủ
Áp lực nội bộ
Tờ báo trên đưa tin, việc rời đàm phán là một bước đi nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, cũng để cho thấy rằng chính phủ đang đàm phán một cách cứng rắn với EU. Theo báo này, giới lãnh đạo doanh nghiệp đã nhận được thông tin trên từ một trợ lý cấp cao của bà May sau cuộc bầu cử hồi tháng trước, và nhân vật này đã rời chính phủ trong cuộc cải tổ gần đây. 
Trước đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis từng khẳng định, Anh sẽ không trả khoản tiền 100 tỷ EUR (tương đương 114 tỷ USD) để rời EU sau khi xuất hiện thông tin EU kiên quyết đòi khoản bồi thường này. Trước khi đàm phán về mối quan hệ thương mại song phương trong tương lai, EU muốn đạt được nhất trí với Anh về cách thức tính khoản bồi thường mà nước này phải trả cho EU sau khi rời khỏi khối. 
Liên quan đến tình hình chính trường Anh, hiện Thủ tướng Theresa May đang phải chịu áp lực từ nội các về việc chấm dứt chính sách kinh tế khắc khổ, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ bà đã sụt giảm nghiêm trọng. 
Theo tờ The Observer, Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt muốn chính phủ bỏ mức tăng trần của tiền lương lĩnh vực công là 1% cho các y tá, trong khi Bộ trưởng Giáo dục Justine Greening muốn có thêm nhiều ngân sách dành cho trường học. Trước đó, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ nên chấp nhận xem xét lại tiền lương ở lĩnh vực công trong tương lai. Kết quả thăm dò mới nhất của báo The Oberver cho thấy, tỷ lệ chênh lệch giữa những người ủng hộ và phản đối bà May là -20 điểm, thấp hơn so với mức - 21 điểm trong tháng 4 vừa qua.
Doanh nghiệp lo lắng
Cùng ngày, tại trung tâm London, Anh diễn ra cuộc biểu tình lớn phản đối những chính sách kinh tế của chính phủ do bà Theresa May đứng đầu. Cuộc biểu tình do nhóm có tên gọi “Tập hợp những người phản đối chính sách tiết kiệm của chính phủ”, đã thu hút được hàng ngàn người tham gia và giơ cao biểu ngữ khi tuần hành dọc các tuyến phố chính như Oxford Circus, Regent, đi qua khu tòa nhà Chính phủ, sau đó đổ về tập trung tại quảng trường trước tòa nhà Quốc hội Anh. Cuộc biểu tình được đánh giá có quy mô khá lớn, thể hiện sự bất bình mạnh mẽ đối với chính sách kinh tế của Chính phủ.
Chủ tịch Công đảng, đảng đối lập lớn nhất, Jeremy Corbyn diễn thuyết tại quảng trường tòa nhà Quốc hội trước những người biểu tình. Ông Corbyn cho rằng, đảng Bảo thủ của bà Theresa May với những lập luận về chính sách thắt lưng buộc bụng là một sự thụt lùi. Ông Corbyn tuyên bố sẽ quyết tâm để dẫn đến có một cuộc tổng tuyển cử nữa. Trong khi đó, những người biểu tình đã bày tỏ sự tức giận trước chính sách thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động dịch vụ công vốn đang thiếu ngân sách hoạt động và hoạt động quá tải như hệ thống y tế, trường học công. Các vấn đề xã hội khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề trước chính sách tiết kiệm mà chính phủ đưa ra như việc làm, nhà ở và tư nhân hóa.

Tin cùng chuyên mục