Bước qua lầm lỡ

Bước qua lầm lỡ

Suốt cả thời tuổi trẻ, họ đã coi “nàng tiên trắng” là bạn, cũng “đập đá”, rồi tự hào mình là dân chơi thứ thiệt, phục mình lượm tiền bạc sao mà dễ thế, đời không biết buồn khổ là gì. Để rồi, theo khói thuốc bay đi, mặt hoa da phấn chỉ còn như 2 ngón tay chéo. Hoa thơm mất nhụy, nở chỉ được một thời. Dại rồi còn biết khôn làm sao đây? Thấm thía cái giá của một thời hoang đãng, nhiều chị em đã bước qua lầm lỗi, sống một cuộc sống mới có ích cho mình và cho người.

“Giữ sạch” mỗi ngày

20g, chị N.T.M.L. (35 tuổi) lái xe chầm chậm rà dọc đường Huỳnh Tấn Phát, nhất là nơi ở gần các cầu, khu đông công nhân… thuộc quận 7 và huyện Nhà Bè. Thấy chị em nào “đứng đường” đang rảnh rỗi, L. lập tức kiếm cách làm quen. Ấy là với “khách hàng” mới. Còn “khách hàng” cũ, chị cũng thu xếp đảo qua, năng đến để họ nhớ đến mình. Ngó 2 bên đường tìm kiếm, biết bao niềm xúc động, L. chỉ muốn đến thật nhanh, gần hơn chút nữa với bất kỳ chị em nào mà mình gặp.

Chị, em ấy có hút thuốc hay không? “Làm” tự do hay có người quản lý? Những điều ấy, L. phải tự xác định sau một hay nhiều lần gặp. Có khi L. tạt vào hỏi đường, có khi nhỏ nhẹ: “Chị ơi, em bên chăm sóc sức khỏe. Em có bao (bao cao su - PV), bao này xài tốt. Em tặng chị”. Chỉ thế thôi, nếu “khách hàng” đang bận hay không muốn tiếp chuyện. Từng là người trong cuộc, L. hiểu đa số phụ nữ lặn lội “ăn sương” tự biết mình có tội lỗi, không muốn “lộ sáng”, không muốn lải nhải nhiều chuyện. Khi kha khá thân, L. sẽ nói chuyện lâu hơn, đủ sức phác thảo một con người có tuổi tác, quê quán, cha sinh mẹ đẻ và hoàn cảnh. L. sẽ chuyển những thông tin ấy vào sổ lớn và nhập vào hệ thống lưu trong máy tính để có biện pháp hỗ trợ chị em chuyển “nghề”.

Từ Vĩnh Long lên TPHCM, cô gái 17 tuổi không trình độ, không lâu sau đã nghiện hút rồi trở thành gái vũ trường. Tránh chuôm mắc ao, tránh đèo mắc núi, nhằm thoát “nàng tiên trắng” heroin, L. lại xài ma túy tổng hợp - “hàng đá”. Đưa đà theo bạn, L. gửi con cho bà nội, rồi có tiền cũng “đá” mà thiếu tiền cũng “đập đá”. Có hề chi, vui mà. “Đập đá” phải một nhóm, cần thời gian, địa điểm kín đáo bù khú chứ không như heroin, ngồi ven đường chích một mình cũng được. Người ta có tiền, người ta rủ mình đi, cốt xôm tụ cho vui. Vậy là L. theo chúng bạn. Chơi xong, thức suốt 2-3 ngày không cần ăn ngủ, lúc nào cũng nhai kẹo cao su kẻo “đá” làm cứng hàm lại nghiến răng kèn kẹt. Người tỉnh như sáo, L. có thể chơi game hay đánh bài từ ban sớm tới chiều hôm. Sau vài hôm “bay đêm”, L. trở về nhà, da sạm lại vì đứt ngủ, đứt ăn. Ở nhà ăn cơm ngon được vài bữa, cảm giác buồn lại xộc tới. Cả nhóm lại tụ bạ “đập đá”, đánh bài. Bài lúc được, lúc thua; thua nhiều hơn được, phải mượn nợ. Nợ thì phải trả lãi, phải góp, nợ này nợ kia thúc ép. “Vậy là ngủ với khách. Đồng tiền lớn quá, làm cho mình mờ đi. Lúc đó, không nghĩ mình “đi làm” (bán dâm - PV). Chỉ nghĩ, người ta thích mình, mình lên giường với người ta xíu là có tiền triệu, vừa tình cảm, vừa có tiền”, L. tâm sự.

“Làm trong vũ trường mới thấy môi trường bon chen, đầy cám dỗ”,  L. nghiệm lại. L. kể, thấy nhỏ này xài điện thoại xịn, mình phải cố gắng cũng có điện thoại xịn; thấy nhỏ kia đi xe xịn, mình làm sao cũng phải như nó; thấy nhỏ khác mặc cái váy đẹp thì mình cũng phải hơn. Thậm chí, nhỏ này nó khoe ngủ với khách này được nhiều tiền thì L. cũng phải ráng ngủ với khách khác nhiều tiền hơn... Cuộc đời cứ trượt dài, cho đến ngày, L. lắp bắp: “Em là L., lần đầu tiên tham gia, nhưng, em không phải là người “giữ sạch”!”.

Từ buổi sinh hoạt đầu tiên trong nhóm những người giống mình, L. đã hiểu “giữ sạch” là không còn sử dụng ma túy nữa. Thấy có người giới thiệu đã “giữ sạch” được 3 tháng, 3 năm, L. ham lắm. Tháng sau, nhiều tháng sau nữa, vào khoảng giữa năm 2009, L. đã làm được điều ấy. Gần sông sạch mình, từ đó L. thấy mình cần con người mình hơn, phải tự cứu. Năm 2013, để “giữ sạch” mình, để người đời tin mình, một lần nữa, L. lại tay trắng ra khỏi nhà chồng thứ 2, người bấy lâu nay đã “đập đá” và lúc nào cũng muốn rủ L. chơi cùng.

Bước qua lầm lỡ ảnh 1

Cán bộ Sở LĐTB-XH TPHCM (bìa phải) trao đổi nguyện vọng học nghề với các phụ nữ lầm lỡ mong muốn hoàn lương.

Nhen niềm tin mới

Len lén để ý gương mặt bạn - anh H.V.M. (25 tuổi, ngụ quận 4) - không biến sắc sau khi xét nghiệm HIV, chị Đ.T.A.M. (44 tuổi, Trưởng nhóm Hoa Cát Tường, quận 4, TPHCM) xót ruột: “Không biết kết quả ra sao mà bác sĩ bảo sau 1 tuần mới trả (thường nếu âm tính, kết quả được trả ngay)? Không biết bạn tỉnh sao mà tỉnh thế?”. Chị tự nhủ, nếu thấy bạn rầu là ập vô tư vấn liền. Trước mặt mọi người, biết tinh thần bạn vẫn bình thường, chị A.M. giả lả với tất cả: “Hôm qua học về tuân thủ điều trị. Thiệt tình, học xong rồi mới biết, nếu người có HIV/AIDS, đi điều trị thì sẽ khỏe re. Còn người tinh thần không vững, buông xuôi không đi điều trị thì đủ thứ bệnh cơ hội xâm nhập cơ thể”.

Bất ngờ, sáng hôm sau, lúc chị A.M. chỉ có một mình ở nhà nhóm (nhà sinh hoạt của nhóm), V.M. rón rén đến bên, chạm nhẹ đầu ngón trỏ lên vai chị: “Này chị, em “dính chưởng” rồi!”. “Dính chưởng là gì?”, chị A.M. giả bộ cốt để V.M. tự bạch. “Em bị nhiễm HIV/AIDS”, V.M. rầu. Tỉnh bơ, chị A.M. nạt: “Mày giỡn chơi!”. “Không, em đâu giỡn chị đâu”, V.M. khẳng định. “Thì có gì đâu, bình thường thôi. Tới trung tâm y tế dự phòng điều trị đi. Tự động đi thôi, nói tôi nghe làm chi vậy. Tưởng có gì quan trọng mà kêu tôi!”, chị A.M. vẫn tỉnh bơ. Cả năm sau, V.M. mới hay chiến thuật của chị đã làm câu chuyện trở nên bình thường, giúp A.M. tự nhiên đối diện sự thật, không hoang mang, thất chí. Được chị A.M. bảo lãnh, V.M. tích cực uống thuốc, sức khỏe bình phục như không có bệnh.

Có trường hợp như chị N.N.V. (32 tuổi) đã được chị A.M. đồng hành từ khi còn trong bùn lầy đến bây giờ đã đơm hoa kết trái, vui vầy trong cuộc sống mới. Sau 7 lần cùng mọi người giúp V. cai nghiện tại phòng trọ ở quận 4 mà cuối cùng vẫn te tua, tiền hết, bệnh tái phát, chị A.M. động viên V. về quê ở miền Tây chữa bệnh. Đưa ra tận bến xe, mua vé, sắp bánh, sắp nước vào giỏ cho V., chị A.M. chỉ nhét cho V. 30.000 đồng. Không phải vì không thương, mà với số tiền ấy, V. sẽ không mua được một tép heroin nào. Vừa làm công tác tư tưởng cho cha mẹ V., hàng ngày, đúng 9g và 21g, chị A.M. gọi điện nhắc gia đình cho V. uống ARV (thuốc điều trị HIV/AIDS), nhắc gia đình canh chừng V. đập đầu vào tường trong lúc “cai sống”. Ba tháng sau, V. trở lại TPHCM. Chị A.M. giới thiệu V. vào làm trong một quán ăn ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Được chị A.M. kiên trì phân tích lợi, hại khi tiếp bước con đường mới, hay buông thả quay lại bán phấn buôn hương, V. đã kiên trì theo công việc ở quán ăn. Sau nửa năm, từ phục vụ, V. được cất nhắc làm thu ngân. Và ở vị trí này, V. đã được một chàng trai thương yêu. Từ lời khuyên nhủ, tư vấn đường đi nước bước của chị A.M., 2 người đã nên duyên vợ chồng và V. đã sinh một bé trai khỏe mạnh, hiện được gần 1 năm tuổi.

Trong khi đó, như con chim không tổ sau khi xa chồng và không dám về quê, L. tự thuê nhà, ăn mì gói suốt mấy tháng và vẫn tìm đến với chị em lầm lỡ như mình xưa kia. Nhiều người nói L. đi bán nắng cho trời, làm những việc vô ích, không có kết quả.

Bước qua lầm lỡ ảnh 2

Chị Đ.T.A.M. (bìa trái) dạy nghề làm móng cho những phụ nữ từng lầm lỡ.

Ai lại dạy đĩ vén váy bao giờ! Mặc, L. vẫn tư vấn chị em “đứng đường” đặt thêm câu hỏi về mục đích của khách, nếu có khách kêu tới nhà phục vụ và hứa trả với giá khá hời, 2 triệu đồng/lượt, liệu sau đó có bị bạo lực, bị “chơi” tập thể không? Nếu khách không chịu xài “áo mưa”, chị em phải “lừa” tròng cho khách như thế nào? “Chúng ta chưa thừa nhận song phải chấp nhận mại dâm có từ bao đời nay. Chị em không ai muốn làm “nghề” này cả. Biết xấu mặt nhưng chặt nồi, vì cơm áo gạo tiền, vì con cái, vì tiền góp mà sa chân rồi chưa dứt ra được. Trong khi chờ chị em chuyển “nghề”, hãy giúp chị em giảm tần suất lao động, lao động được an toàn”, L. giãi bày. Theo L., để giúp chị em chuyển “nghề”, đổi đời hiệu quả, bên cạnh việc hỗ trợ học nghề, rất cần hỗ trợ thêm vốn liếng cho chị em nữa.

Đặc biệt, năm 2013, nhờ sự bảo lãnh của L., 6 chị em trong nhóm Bình minh đêm ở khu vực quận 10 đã được Sở LĐTB-XH TPHCM hỗ trợ học các nghề làm móng, làm tóc, được tạo sinh kế, vay vốn làm ăn. Nhờ sự bảo lãnh và kèm cặp của chị A.M., gần 20 chị em gồm các chị H., U., Tr., Th.… trong nhóm Hoa cát tường đã học nghề uốn tóc, làm móng trên đường Đoàn Văn Bơ (quận 4). Sau khi học nghề phù hợp khả năng, các chị em đều được giới thiệu việc làm, rồi dần dần chuyển làm nghề ổn định, đàng hoàng chứ không sa theo cái tình khi mặn khi nhạt và cám dỗ của ma túy. “Họ cũng như mình ngày xưa, đã từng cấy gió, đã từng chịu bão. Giờ đây, mình được cứu vớt, được đi đó đi đây, biết xài máy tính phục vụ công việc, biết cùng làm dự án. Cuộc đời ngắn lắm, thôi thì cái gì mình biết, mình chia sẻ với chị em đồng cảnh. Câu chuyện của mình chính là lời cảnh tỉnh cho những chị em giống mình trước đây, tiếp thêm sức mạnh cho chị em bước qua lầm lỗi”, chị A.M. tâm sự.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục