Buồn cho môn Lịch sử

Chiều 9-7, ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM công bố sơ bộ phổ điểm của 9 môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đã có những tiếng thở dài ngao ngán khi môn thi Lịch sử tiếp tục giữ kỷ lục buồn với phổ điểm thấp nhất trong tất cả các môn thi. 
Buồn cho môn Lịch sử
 Có hơn 80% bài thi đạt điểm dưới trung bình (5 điểm), chỉ có 19,1% bài thi đạt từ 5 điểm trở lên và 0,36% bài thi trên 8 điểm.
Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, tỷ lệ bài thi dưới điểm trung bình của môn thi này ít hơn với hơn 13.000 bài thi trên tổng số 27.000 thí sinh dự thi, chiếm tỷ lệ hơn 48%. Nếu như năm ngoái, môn thi này có một bài thi đạt điểm 10 thì năm nay, môn Lịch sử thuộc nhóm 5 trong tổng số 9 môn thi không có điểm tuyệt đối. Qua 2 lần “đội sổ” phổ điểm và tỷ lệ bài thi dưới trung bình có chiều hướng gia tăng, cần tiếp tục báo động về thực trạng dạy và học môn Lịch sử trong các trường phổ thông. 

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết không quá bất ngờ về phổ điểm môn Lịch sử do Sở GD-ĐT TP vừa công bố. Giáo viên này lý giải, do mục đích của kỳ thi năm nay là kết hợp xét tốt nghiệp và lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nên phổ điểm cao hay thấp chịu chi phối rất lớn từ nhu cầu và mục đích tham gia kỳ thi của thí sinh. Cụ thể, với những thí sinh chỉ có nguyện vọng lấy điểm môn Lịch sử để xét tốt nghiệp thì bài thi của các em chỉ cần trên 1,25 điểm (từ 1 điểm trở xuống được xem là điểm liệt - PV). Chỉ những em nào có nguyện vọng lấy điểm Lịch sử xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng mới có nhu cầu đạt điểm cao.
“Không nên căn cứ vào tỷ lệ bài thi dưới 5 điểm để nhận định về chất lượng dạy và học môn Lịch sử mà nên hiểu đó là do nhu cầu lựa chọn ngành nghề của thí sinh, khi Lịch sử hầu hết chỉ được xem là môn thi để đủ điều kiện xét tốt nghiệp”, thầy Đăng Du bày tỏ. Chưa kể, trong cùng bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội, môn Lịch sử được đánh giá “khó kiếm điểm” hơn vì chỉ thuần về kiểm tra lý thuyết, trong khi với 2 môn Địa lý và Giáo dục Công dân học sinh không cần thuộc bài vẫn có thể kiếm điểm ở các câu hỏi thực hành, sử dụng Atlat địa lý hoặc hiểu biết đời sống để giải quyết câu hỏi. Vì vậy, tâm lý chọn cái dễ để đầu tư và bỏ qua môn khó cũng là điều dễ hiểu.

Cô Nguyễn Thị Kim Quyên, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), nhận định đề thi môn Lịch sử năm nay có tỷ lệ câu hỏi đòi hỏi vừa ghi nhớ dữ liệu vừa có tư duy phân tích, đánh giá ý nghĩa lịch sử nhiều hơn năm ngoái nên nếu thí sinh nào chỉ học đối phó sẽ khó có điểm cao. Thêm nguyên nhân nữa, theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, là đang có khoảng chênh nhất định giữa dạy và học cũng như cách ra đề thi trắc nghiệm. Theo đó, hầu hết giáo viên ở các trường THPT đều quen với việc dạy học theo định dạng đề thi tự luận, trong đó có “trọng tâm ôn” của từng giai đoạn lịch sử, yêu cầu học sinh ghi nhớ chi tiết ngày, tháng, diễn biến của từng sự kiện. Còn với kiểu đề thi trắc nghiệm, người dạy cần cải tiến phương pháp, cô đọng kiến thức theo hình thức sơ đồ tư duy, không cần nhớ tất cả số liệu về ngày, tháng nhưng phải nắm được ý nghĩa sự kiện trong cả bản đồ lịch sử. Đây là đòi hỏi chưa nhiều giáo viên phổ thông làm được. 

Như vậy, phổ điểm môn Lịch sử thấp có một phần nguyên nhân từ phương pháp dạy, học ở trường phổ thông, nhưng đó cũng là hệ quả của tình trạng “thi gì học nấy” ở ngành giáo dục những năm qua. Điều an ủi với nhiều người là môn Lịch sử không phải môn thi chính, nên học sinh chỉ cần đủ điểm “chống liệt”. Song, thật chạnh lòng khi điểm thi môn học dạy cho học sinh “tường gốc tích nước nhà” lại hẩm hiu đến vậy! 

Tin cùng chuyên mục