Bút ký: Về quê ngoại

Ở TPHCM có hai con đường mang tên Phạm Viết Chánh, một ở quận 1 và một ở Bình Thạnh. Tôi vẫn thường đi qua những con đường này, nhưng một ngày kia thấy nó càng thân thiết hơn khi một người bạn thân của tôi là nhà nghiên cứu vật lý Nguyễn Hiệp tâm sự: “Cụ Phạm Viết Chánh là cụ cố 5 đời của Liên đấy anh ạ. Bà ngoại Liên gọi cụ là ông nội”. Ồ, vậy à? Vậy là quê ngoại của vợ Hiệp ở Bến Tre à?”. “Vâng, Giồng Trôm, Bến Tre, có dịp thể nào cũng mời anh về thăm quê ngoại Liên nhé…”.
Bút ký: Về quê ngoại

Ở TPHCM có hai con đường mang tên Phạm Viết Chánh, một ở quận 1 và một ở Bình Thạnh. Tôi vẫn thường đi qua những con đường này, nhưng một ngày kia thấy nó càng thân thiết hơn khi một người bạn thân của tôi là nhà nghiên cứu vật lý Nguyễn Hiệp tâm sự: “Cụ Phạm Viết Chánh là cụ cố 5 đời của Liên đấy anh ạ. Bà ngoại Liên gọi cụ là ông nội”. Ồ, vậy à? Vậy là quê ngoại của vợ Hiệp ở Bến Tre à?”. “Vâng, Giồng Trôm, Bến Tre, có dịp thể nào cũng mời anh về thăm quê ngoại Liên nhé…”.

Festival dừa Bến Tre 2012. Ảnh: Trà My

Festival dừa Bến Tre 2012. Ảnh: Trà My

Cái dịp ấy như Nguyễn Hiệp hẹn, đã diễn ra một ngày rất gần đây, khi tôi được mời đi cùng vợ chồng Hiệp - Liên về thăm Bến Tre. Khi xe chúng tôi hội nhau ở Trung Lương thì mới biết đoàn đi sáng nay đông vui lắm. Có cả dàn lãnh đạo Vinamilk mà vợ Hiệp, cháu 5 đời của cụ Phạm Viết Chánh là Mai Kiều Liên, làm tổng giám đốc, lại có cả đoàn HD bank của Nguyễn Mạnh Hùng, một người con “ruột” của Bến Tre cùng đi…

Trong trụ sở của UBND tỉnh, tôi cùng mọi người lắng nghe Mai Kiều Liên trao đổi với lãnh đạo tỉnh về việc hình thành một trang trại nuôi bò sữa ở Bến Tre. Dù chị không giãi bày nhiều về tình cảm, mà nói nhiều hơn đến bài toán kinh tế, nhưng dường như tất cả mọi người đều nghe rõ nhịp tim đập của chị, đều hiểu trong công việc chung còn là một nguyện vọng rất tha thiết của một người con muốn đóng góp cho quê ngoại của mình…

Khi những trái tim đã cùng một nhịp đập thì mọi công việc xem ra cũng rất hanh thông. Phía Vinamilk và phía lãnh đạo tỉnh rất dễ dàng nhất trí về mối liên kết để xây dựng trên miền đất Đồng khởi này một trang trại nuôi bò sữa tầm vóc. Về lợi ích của nó thế nào thì có lẽ không phải bàn thêm, bởi thực tế nhiều địa phương từ TPHCM, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Nghệ An… đã chứng minh.

*

Buổi trưa hôm đó, thay vì ủy ban tỉnh chiêu đãi, chúng tôi rất cảm động khi được anh Hai Nghĩa mời về nhà ăn cơm. Được gặp lại anh tôi mừng lắm, nhưng tôi hiểu sự ưu ái này trước hết dành cho Mai Kiều Liên, từng thân quen với anh từ khi cùng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 8 (Anh Hai Nghĩa là Ủy viên Trung ương Đảng 5 khóa liền), đồng thời cũng là người có quê ngoại ở Giồng Trôm, nghĩa là đồng hương với anh, với Nguyễn Hiệp là chàng rể của Bến Tre và với Nguyễn Mạnh Hùng là con một đồng đội anh đã sớm hy sinh năm 68 trong rừng…

…Nói đến đây, hẳn nhiều bạn đọc sẽ ít nhiều muốn được biết rằng: Vậy một Ủy viên Bộ Chính trị, một Phó Thủ tướng Chính phủ như anh Hai Nghĩa, tức đồng chí Trương Vĩnh Trọng, sau khi rời cương vị lãnh đạo thì lúc này ra sao? Tôi xin được thưa ngay rằng, anh vẫn giản dị, liêm khiết, ấm áp vô cùng. Xong bổn phận với Đảng với dân, anh cùng chị rời Hà Nội nơi anh gắn bó công tác 20 năm, trở về lại bản quán Giồng Trôm, Bến Tre của mình, sống như một lão nông tri điền. Ngôi nhà anh và chị sống như mọi nếp nhà nơi thôn quê Nam bộ, nhỏ thôi, nhưng được cái khu vườn rộng tới vài ngàn mét vuông (đất này mẹ vợ anh mua cho vợ chồng anh năm xưa). Ngày ngày, anh đội nón ra làm vườn, cuốc đất, tưới cây từ sáng tới chiều không lúc nào ngơi tay. Nhìn anh so với ngày ở Hà Nội thì khỏe, khỏe hơn rất nhiều. Và nụ cười cũng thêm phần tươi tắn. Bữa trưa ấy, anh Hai đãi chúng tôi món chính là bánh xèo, sản phẩm của con gái anh. Sau là cơm và tôm kho nước dừa cùng những món ăn rau dưa cây nhà lá vườn. Vui và cảm động vô cùng. Khi chia tay ra về, chính tay anh Hai Nghĩa ra vườn hái bưởi vườn nhà tặng Mai Kiều Liên, Nguyễn Mạnh Hùng và anh em chúng tôi…

Anh đúng là anh Hai Nghĩa, giản dị, thanh liêm, ấm áp, nồng hậu. Nghĩa trong anh đã lớn, mà tình trong anh cũng tràn trề…

*

Từ nhà anh Hai Nghĩa, chúng tôi sang thẳng Mỹ Lồng, quê ngoại của Hiệp - Liên. Vì cùng huyện nên đường đất chẳng bao xa. Nơi đây có nhà thờ của cụ Phạm Viết Chánh, mà Mai Kiều Liên chính là cháu đời thứ 5 của cụ…

Cuộc đời dâu bể nghĩ thon von
Chạnh nhớ người xưa tiếng hãy còn…

Đây là một bài thơ của người xưa viết về cụ Phạm Viết Chánh. Sử sách chép rằng cụ là một danh sĩ - một vị quan yêu nước, từng là Ngự sử đạo hải yên, từng là vị quan mộ dân khẩn ruộng ở ba tỉnh miền Tây, lại từng được bổ nhiệm là án sát tỉnh An Giang… Chính cụ cùng với một số sĩ phu ở Gia Định, trong đó có Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông, Trương Gia Hội… đã cải táng thầy Võ Trường Toản về làng Bảo Thạnh, nay thuộc xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre… Lịch sử ghi nhận cụ không chỉ có tài văn thơ, mà còn là một vị quan thanh liêm và đức độ. Bởi vậy dân luôn ghi công ơn của cụ như ở đài tưởng niệm liệt sĩ ở Núi Sam - Châu Đốc…

…Đứng dâng hương cụ cố Phạm Viết Chánh, tôi thấy Nguyễn Hiệp và Mai Kiều Liên xúc động lắm. Có một cụ cố như thế này cũng thật đáng tự hào và có lẽ trong khói hương nhìn ngắm con cháu mình, cụ cũng rất vui lòng. Nếu như năm xưa, cụ đã hết lòng vì dân vì nước, thì nay con cháu cụ, ít nhất có hai người cũng được dân, được nước tôn vinh. Đó là người cháu đời thứ ba Trần Văn Nhiều và người cháu đời thứ năm Mai Kiều Liên, không chỉ nổi tiếng là những doanh nhân tài giỏi, mà còn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Con cháu tự hào về ông cha, ông cha lại tự hào muôn phần về con cháu, phải chăng đấy chính là phúc trạch một miền đất, phúc trạch một dòng họ…

Trương Nguyên Việt

Tin cùng chuyên mục