Ngoại trưởng John Kerry sẽ có chuyến công du đầu tiên tới 5 quốc gia ở khu vực Trung Á gồm Kyrgyzstan, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Turkmenistan sau khi kết thúc các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria ở Áo.
Trọng tâm chuyến thăm của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ là cuộc gặp với những người đồng cấp tới từ 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở thủ đô Samarkand của Uzbekistan. Theo kế hoạch, tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, Ngoại trưởng Kerry sẽ tham dự lễ khai trương một phòng lãnh sự mới tại Đại sứ quán Mỹ và một cơ sở mới của trường Đại học Mỹ ở Trung Á. Tiếp đó, tại thủ đô Astana, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tổ chức vòng đối thoại chiến lược Mỹ - Kazakhstan lần thứ 4 và có bài phát biểu về vai trò của Trung Á trên thế giới...
Như vậy, Ngoại trưởng Kerry là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm tất cả 5 nước cộng hòa của Liên Xô cũ trong một chuyến công du. Tuy nhiên, ông Kerry không phải là quan chức cấp cao đầu tiên đến thăm khu vực này năm nay trong bối cảnh Trung Á - một khu vực từng bị lãng quên trên các diễn đàn chính trị - đang trở thành trọng tâm của một loạt các chương trình nghị sự ngoại giao toàn cầu. Hồi tháng 6, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã thực hiện chuyến công du đến đây. Tháng 7, khu vực này đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng vừa kết thúc chuyến công du được đánh giá là quan trọng đến khu vực này.
Kể từ khi Liên Xô tan rã, khác với Nga và Trung Quốc, Mỹ dường như không mấy quan tâm tới khu vực này. Nay, chiến lược tranh giành ảnh hưởng của Washington đang trở nên quyết liệt và công khai hơn.
Đối với Nga, Trung Á là vùng đệm an ninh để Mátxcơva chặn đứng chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố khu vực và ma túy đến từ Afghanistan. Đây cũng là phạm vi ảnh hưởng đặc biệt mà Nga có lợi ích quân sự và kinh tế to lớn. Nga không những tăng cường sự hiện diện của mình bằng các căn cứ quân sự mà cả với các cơ sở kinh tế, cụ thể là các dự án xây dựng nhà máy thủy điện. Chạy đua với các chính sách của Nga tại Trung Á đang dần dần phát triển, Trung Quốc cũng thúc đẩy những hợp đồng thương mại và đầu tư khổng lồ xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá và đường ống dẫn dầu qua khu vực này. Trong đó, ý tưởng hồi sinh “Con đường tơ lụa” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất hồi năm ngoái được xem là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và khu vực Trung Á ngày càng khắng khít.
Đối với Mỹ, khu vực này cũng quan trọng không kém để hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa khi rút quân khỏi Afghanistan và giám sát sự phát triển ổn định của nước này trong tương lai. Ngoài ra, vì có nhu cầu theo dõi các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực nên Washington cũng rất cần phải duy trì sự hiện diện quân sự trong các vùng lân cận khu vực Trung Á. Lợi ích của Mỹ tại khu vực này còn đến từ nguồn dự trữ tài nguyên lớn và tiềm năng địa chính trị của Trung Á được giới chiến lược gia nhận định có thể giúp Mỹ đặt ảnh hưởng lên Nga và Trung Quốc. Vì lẽ đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhận định chuyến đi của Ngoại trưởng Kerry sẽ hình thành nhóm ngoại giao mới được gọi là “C5+1” với mục đích tạo điều kiện để “các ngoại trưởng thảo luận về những cơ hội và thách thức tại khu vực cũng như toàn cầu”.
HẠNH CHI