Chúng tôi ra tới bờ sông Hương khi màn đêm vừa buông xuống. Gió đưa không khí mát mẻ, dễ chịu. Dọc bờ sông rộng rãi như một công viên, cuộc sống đất Thần kinh xưa đã nhộn nhịp lắm. Nhiều người trải ni lông, bật đèn bình, bán đồ lưu niệm, đồ chơi trẻ con xanh xanh đỏ đỏ. Mùi mực nướng, cá khô lan ra từ mấy xe bán đồ nhậu. Xa trên con sông xinh đẹp, cầu Tràng Tiền duyên dáng, rực rỡ trong ánh đèn, khiến bước chân tôi gấp gáp vì câu ca xưa Chứ cầu Tràng Tiền sáu vai mười hai nhịp... Vì thương nhau rồi chớ xin kịp về mau…
Chiếc thuyền đầu rồng chăng đèn kết hoa từ từ cập bến. Du khách dưới thuyền ào ạt đổ lên bờ và chúng tôi lần lượt bước xuống. Một phút chạnh lòng vì mình đi theo tour, xô bồ thưởng thức một “đặc sản văn hóa” mà đáng lẽ ra phải được nâng niu, trân trọng… Tôi có nhiều bạn Huế, nhưng chuyến đi thoáng chốc, chẳng muốn làm phiền, lại luyến tiếc, chẳng muốn bỏ qua. Chỉ mơ có ngày thăm Phu Văn Lâu để nhớ Thuyền ai thấp thoáng xuôi dòng / Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non…
Thuyền ra giữa sông, tôi mơ màng ngắm Hương Giang về đêm. Trời trong veo, nước trong veo / Em buông mái chèo trên dòng Hương Giang… (Tố Hữu). Sông Hương có tên từ thời chúa Nguyễn Hoàng khi chúa vào Nam, đổi tên huyện Kim Trà thành Hương Trà (kỵ húy tổ Nguyễn Kim chăng?) và Kim Trà đại giang (theo Ô châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc) đổi thành Hương Trà nguyên (theo Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn). Sông Hương có hai nguồn. Dòng chính Tả Trạch bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực vườn quốc gia Bạch Mã chảy theo hướng Tây Bắc với 55 thác nước hùng vĩ, qua thị trấn Nam Đông rồi sau đó hợp lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng. Hữu Trạch là nhánh phụ, chảy theo hướng Bắc, qua 14 thác và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Bằng Lãng, nơi hai dòng này gặp nhau và tạo nên sông Hương.
Con sông chảy chậm, thắm thêm sắc xanh khi qua Hòn Chén, qua các làng mạc như Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh. Ban sáng, tôi đến thăm chùa Thiên Mụ, ra bờ sông Hương ngắm dòng nước trong xanh, lòng nghĩ dòng sông này từng in bóng thành quách, đền đài, thị tứ, vườn tược, chùa chiền… và bao biến thiên trong lịch sử của một cố đô. Tiếng chuông Thiên Mụ cho đến giờ vẫn ngân nga trong lòng người Việt và bài thơ Thiên Mụ chung thanh của vua Thiệu Trị vẫn còn trên bia đá gần cổng chùa, tôn vinh một trong hai mươi thắng cảnh của đất Thần kinh: … Bách bát hồng thanh tiêu bách kết / Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên (Trăm tám tiếng ngân tan trăm oán / Ba ngàn thế giới giải ba duyên).
Thuyền rồng trôi chầm chậm trên dòng sông lung linh ánh đèn xanh đỏ hắt xuống từ phòng ca nhạc trang trí rực rỡ. Du khách ngồi trên những hàng ghế kê sẵn ở sàn diễn - boong tàu. Các nghệ sĩ biểu diễn so lại dây đàn đáy, đàn bầu, đàn tranh (tam thập lục), nam áo dài khăn đóng, nữ cũng áo dài khăn xếp, màu sắc hài hòa, tơ lụa dệt hoa văn. Và tiếng đàn, tiếng ca nổi lên, hòa quyện những giai điệu rất Huế, cùng chất giọng gái Huế thật dễ thương. Đối với du khách đi tour thông thường thì một buổi nghe ca Huế trên sông Hương vậy là đạt yêu cầu. Có thuyền rồng, có sông Hương, có ca nương ca Huế… Nhưng thật lòng mà nói thì tôi có hơi tiếc. Vì chất giọng của nghệ sĩ chưa chuyên nghiệp chăng, vì tâm hồn nghệ sĩ chưa rung động người nghe chăng, hay vì lý do gì tôi chưa rõ, chỉ biết mình chưa bắt được cái hồn của ca Huế mơ ước từ lâu… Tôi tự nhủ: thời buổi kinh tế thị trường thì cũng có hàng chợ, hàng hiệu với nhiều đẳng cấp khác nhau, những giá trị khác nhau…
Chắc chắn là phải có ca Huế “chính hiệu” để du khách nào muốn thưởng thức một di sản đã được đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản đó gồm có 36 bản ca nhạc, nhiều bản rất được ưa thích như: Cổ bản, Tứ đại, Tương tư khúc, tất nhiên không thể thiếu một rằng Lưu Thủy, hai rằng Hành vân (Truyện Kiều)… Và ca Huế cũng đang được chuẩn bị đề nghị UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Một di sản tầm “nhân loại” tất phải làm ngạc nhiên và mê mẩn lòng người…
Trên đường về, tôi ra trước mũi thuyền rồng ngắm mãi sông Hương. Gió đêm vuốt ve mặt nước sáng lung linh. Chợt nhớ Hàn Mặc Tử trong bài Đây thôn Vỹ Dạ với lòng nuối tiếc vì mình vẫn chưa được đến thăm: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó / Có chở trăng về kịp tối nay…
Trần Thanh Giao