Ca mắc Covid-19 tăng cao, Đà Nẵng yêu cầu tăng cường điều trị F0 tại nhà

Tối 14-1, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng, lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu, cần xem việc điều trị F0 tại nhà là nhiệm vụ hàng đầu của địa phương trong thời điểm này.

Hiện TP Đà Nẵng chỉ có 25 ca Covid-19 nặng, chiếm 0,6%
Hiện TP Đà Nẵng chỉ có 25 ca Covid-19 nặng, chiếm 0,6%

Theo báo cáo, trong ngày (14-1), TP Đà Nẵng ghi nhận 765 ca mắc Covid-19, trong đó có 499 ca chưa cách ly. Trong số này có nhiều trường hợp cao tuổi, trẻ em, người có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine. Với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc điều tra, truy vết các F1 trở nên quá tải.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung các giải pháp để bảo vệ những đối tượng có nguy cơ. Đặc biệt, một trong những giải pháp để giảm thiểu mức độ lây nhiễm và tăng nặng vì mắc Covid-19 là đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 3 vaccine.

Tại cuộc họp, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác điều trị F0 tại nhà, kích hoạt, phát huy vai trò lực lượng y tế cơ sở. Song song đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao vai trò, nhận thức của người dân trong việc góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh.

“Cần khuyến khích việc điều trị F0 tại nhà, các quận, huyện cần xem đây là trách nhiệm hàng đầu của địa phương trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, cần xác định các khu vực, đối tượng cụ thể để có giải pháp bảo đảm phòng, chống Covid-19; đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, trong đó nhấn mạnh việc hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người”, ông Chinh kết luận.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, các ca mắc Covid-19 phân bố rộng, xuất hiện tại các khu dân cư, khu công nghiệp, bệnh viện, trạm y tế. Bên cạnh đó, công tác thu dung điều trị đã đến ngưỡng quá tải. Hiện Đà Nẵng chỉ có 25 ca nặng, chiếm 0,6%; 99% bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Mặc dù số ca F0 điều trị tại nhà đã tăng, tuy nhiên chỉ mới đạt 50% so với số ca mắc.

Cùng ngày, Sở Y tế Đà Nẵng vừa có văn bản cập nhật điều kiện, quy trình, tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả công tác cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú.

Theo đó, Sở Y tế này đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và nhân lực để thiết lập các Trạm Y tế lưu động đảm bảo công tác cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú.

Về tiêu chuẩn F0 để thực hiện cách ly, điều trị tại nhà/nơi lưu trú là người có độ tuổi từ 3 đến không quá 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên.

Điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà phải đảm bảo có khu vực cách ly (buồng, phòng, tầng, nhà...) riêng với khu vực sinh hoạt chung với các đối tượng không phải F0. Đối với F0 ở phòng trọ phải có phòng vệ sinh riêng trong phòng trọ.

Trường hợp không đủ điều kiện cơ sở vật chất nhưng có nguyện vọng cách ly, điều trị tại nhà thì F0 hoặc gia đình phải ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Để xem xét chuyển cách ly, điều trị tại cơ sở y tế, căn cứ theo Quyết định số 5525 của Bộ Y tế, các trường hợp F0 này phải là người từ 65 tuổi trở lên hoặc từ 3 tháng tuổi trở xuống; người từ 50 – 64 tuổi chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày; SpO2 từ 94% đến 96%.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng quy định chuyển cách ly điều trị tại cơ sở y tế đối với các F0 có tình trạng cấp cứu được phân loại nguy cơ rất cao; được đánh giá mắc Covid-19 ở mức độ vừa hoặc nặng; những trường hợp bệnh lý đặc biệt.

Tin cùng chuyên mục