Chưa bao giờ người dân Cà Mau đối mặt với tình trạng đường sá bị sụp lún liên tiếp, khiến ai nấy đều thấp thỏm lo âu. Tình trạng này sẽ còn tiếp tục diễn ra, nhất là khi bắt đầu vào mùa mưa...
Đường bị sụp lún tràn lan
Theo ghi nhận của chúng tôi, đường giao thông ở khu vực chợ Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) bị sụp và lún sâu cả mét, nhà dân ở gần lộ có nguy cơ sụp theo. Trên tuyến ô tô tiếp giáp với đường Cà Mau - Sông Đốc, đến Khu di tích Bác Ba Phi (ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời), chúng tôi thấy nhiều đoạn nứt nẻ, mặt đường bị xé ra. Trước điểm trường Kênh Ngang (thuộc Trường Tiểu học 4 xã Khánh Hải) có đoạn bị sụp lún khoảng 30m, rộng 7m, sâu hơn 2m. Tại xã Khánh Hải cũng xảy ra 12 vụ sụp lún đường và lở đất.
Nhiều tuyến đường ở huyện Trần Văn Thời bị sụp lún nghiêm trọng
Tương tự, đoạn giao thông từ xã Khánh Bình đến xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời) cũng sụp lún nghiêm trọng nhiều nơi, có đoạn mất gần hết chiều ngang mặt đường, khiến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Bà Trần Thị Liên (xã Khánh Bình Đông) than: “Tôi ở đây trên 30 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh sụp lún đường kinh hoàng như năm nay. Lạ hơn nữa khi hiện tượng sụp lún đường lại diễn ra vào mùa khô chứ không phải mùa mưa”. Ông Nguyễn Đồng Khởi, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết trong 3 tháng gần đây, trên địa bàn huyện đã xảy ra 92 vụ sụp lún đất làm hư hại khoảng 22km đường giao thông.
Tìm giải pháp khắc phục
Nhận định về nguyên nhân trên, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau bước đầu xác định do hạn hán kéo dài nên nền đường bị khô, làm phá vỡ kết cấu đất; đồng thời tầng nước ngầm bị cạn nên xảy ra sụp lún. Ngày 28-4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải và các đơn vị chức năng của tỉnh đã thị sát nhiều tuyến đường bị sụp lún trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Nhận định về sụp lún đường, ông Hải cho rằng đây là hiện tượng lạ và đang diễn ra trên diện rộng tại các vùng ngọt hóa. Theo ông Hải, đây là hệ lụy của hạn hán và tình hình này có nguy cơ tiếp diễn ngày một nghiêm trọng. “Trước mắt, các huyện phải kiểm tra tất cả các tuyến đường sụp lún, báo cáo chi tiết về UBND tỉnh để có giải pháp khắc phục kịp thời. Đối với những tuyến đường sụp lún trong khu vực nhà dân thì phải làm kè, nếu cần thiết tiến hành di dời dân để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng”, ông Hải chỉ đạo.
Giải pháp trước mắt, ông Hải đề nghị chính quyền địa phương huy động lực lượng, xuất ngân sách khắc phục ngay những tuyến lộ có bề mặt bị nứt nhẹ, đảm bảo an toàn giao thông; có biển cảnh báo từ xa ở những tuyến lộ có khả năng sụp lún cao. Nghiên cứu, điều chỉnh hạ tải tạm thời một số tuyến đường đang bị sụp lún.
NGỌC CHÁNH