Cà Mau đẩy nhanh tiến độ khắc phục sạt lở đê biển Tây

Trước tình hình đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau sạt lở nghiêm trọng, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có chuyến khảo sát, kiểm tra tình hình sạt lở đê biển Tây đoạn Hương Mai - Tiểu Dừa thuộc huyện U Minh.

Ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, đối với những đoạn sạt lở nguy hiểm đã có chủ trương triển khai xây dựng kè cơ bản thì đẩy nhanh tiến độ, tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung trang thiết bị vật tư, tổ chức thi công.

Đối với những đoạn sạt lở nguy hiểm chưa triển khai xây dựng kè cơ bản bên ngoài thì chuẩn bị sẵn các vật liệu cần thiết để xử lý kịp thời những sự cố có thể xảy ra. Tiến hành một số giải pháp xử lý tạm thời như kè bản nhựa kết hợp với cừ tràm; bao sinh thái kết hợp với cừ tràm, ống cát.

Đối với đoạn đấu nối vào cống Hương Mai (thuộc gói thầu xây lắp số 85) chưa nghiệm thu nhưng bị sụt lún, do đoạn này nằm trên nền đất yếu nên phải chờ xử lý, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án Công trình NN-PTNT, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam và các nhà thầu đảm bảo ổn định cho cả đoạn đê.

Cà Mau đẩy nhanh tiến độ khắc phục sạt lở đê biển Tây ảnh 1 Đoạn đường dẫn vào cống Hương Mai mới đưa vào sử dụng đã bị sụt lún nghiêm trọng vào đầu tháng 8-2017.
Như Báo SGGP đã phản ánh, công trình xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau (đoạn đấu nối vào cống Hương Mai) có chiều dài toàn tuyến 14,635km, chiều rộng mặt đê 7,5m, chiều rộng mặt đường 5,5m, tải trọng thiết kế 8 tấn, kết cấu mặt đường bằng bê tông cốt thép dày 14,6cm với tổng vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng.

Ngày 6-8 vừa qua, khu vực này đã xảy ra sự cố sụt lún đường dẫn vào cống Hương Mai. Trong đó, có 2 đoạn sụt lún với tổng chiều dài hơn 230m. Ngoài ra, trên tuyến đê biển Tây đoạn Hương Mai  - Tiểu Dừa còn có 4 đoạn bị sạt lở với tổng chiều dài 648m do nền đất yếu.

Trước đó, ngày 7-9, tại khu vực tổ 10, ấp Vĩnh Tường 1, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) xảy ra vụ sạt lở đất bờ Sông Hậu, với chiều dài khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền từ 5-7m. Sau đó, đoạn sạt lở kéo dài thêm 10m và ăn sâu vào đất liền từ 10-15m.

Tại khu vực sạt lở hiện còn 9 hộ dân, với 45 nhân khẩu đang sinh sống, trong đó có 6 hộ đang ở trong khu vực nguy hiểm, cần phải di dời khẩn cấp.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi đã có mặt tại hiện trường cùng các ngành chức năng tỉnh chỉ đạo công tác di dời dân cư và tài sản; yêu cầu chính quyền xã Châu Phong khẩn trương thống kê các hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở để hỗ trợ, không để người dân nào gặp khó khăn; đồng thời chỉ đạo Sở TN-MT tỉnh An Giang tiến hành khảo sát, đo đạt, để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Theo thống kê của UBND thị xã Tân Châu, xã Châu Phong có 4 ấp có nguy cơ sạt lở cao, với chiều dài gần 7km; mỗi năm, sạt lở ăn sâu vào đường giao thông nông thôn tuyến Long An - Châu Phong gần 5m. Hiện nay, toàn xã có 428 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở cần phải di dời.

Tin cùng chuyên mục