Nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau đã rất nỗ lực đầu tư các khu dân cư để bố trí dân vào ở. Tuy nhiên, do nguồn vốn bố trí không đáp ứng được nhu cầu nên hàng ngàn hộ dân sống ở vùng di cư tự do, rừng đặc dụng và nhất là vùng sạt lở cần di dời khẩn cấp vẫn chưa có được chỗ ở an toàn...
Khu vực Vàm Xoáy (xã Đất Mũi) bị sạt lở rất nghiêm trọng
Sống ở vùng nguy hiểm
Đã nhiều năm nay, trên 40 cư dân khu vực cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) sống trong tâm trạng lo âu trước tình trạng sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng khu vực này. Con lộ xi măng từ Đồn biên phòng cũ ra tới ngoài đầu vàm đã bị sóng đánh sạt lở mất, hàng cột điện trước đây cắm trên bờ nay thì cũng nằm trơ trọi dưới mặt nước. Do bị ảnh hưởng bởi sạt lở nên một số người bỏ đi nơi khác để lại những căn nhà trống hoang, còn người ở lại cũng trong tâm trạng lo âu.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Văn Lợi (nhà ở Vàm Xoáy) nói: “Tình trạng sạt lở khu vực này diễn ra mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Hiện tại, dân cố bám trụ lại mà sống, vì gần cửa biển, thuận tiện cho việc mưu sinh. Tuy nhiên, nếu muốn đi chỗ khác tôi chẳng còn đất nữa mà di dời. Dân ở đây mong được xây kè bảo vệ”. Hiện nay, dân Vàm Xoáy không còn đường đi lại nên phải làm những cây cầu nối tiếp nhau nhà này qua nhà khác. Việc di chuyển trên những cây cầu mỏng manh rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em.
Ông Võ Công Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, cho biết tình hình sạt lở trên địa bàn những năm gần đây diễn biến phức tạp. Hiện tại, điểm nóng nhất là khu vực Vàm Xoáy. “Địa phương có quy hoạch khu dân cư ở Kinh Năm để di dời dân vào. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan cấp trên cho biết chưa có vốn nên chưa thể thực hiện”.
Tình trạng sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng tại cửa biển Gành Hào (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi). Hiện tại, khu vực cửa biển này phía bờ thuộc tỉnh Bạc Liêu đã được làm kè kiên cố nên người dân sống khu vực này đã yên tâm. Ngược lại, phía bờ Cà Mau chỉ mới làm kè được một đoạn ở phía đầu cửa biển, còn phía trong thì chưa nên năm nào nhà cửa của người dân đều bị “hà bá” nuốt. Có năm dòng chảy mạnh, nước xoáy vào sâu bên trong nên sạt lở càng diễn ra phức tạp…
Hàng ngàn hộ dân cần được bố trí chỗ ở an toàn
Theo quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ 2006 đến 2015 sẽ xây dựng 35 khu dân cư với diện tích 954ha, bố trí trên 13.870 hộ dân. Trong đó, giai đoạn 2013-2015 thực hiện 7 dự án với số vốn đầu tư trên 363 tỷ đồng (chủ yếu là nguồn từ Trung ương). Tuy nhiên, đến nay mới giải ngân được 129 tỷ đồng.
Ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh Cà Mau, lý giải do nguồn vốn bố trí không kịp thời và không đáp ứng được nhu cầu nên các dự án đều triển khai trong tình trạng dang dở, thiếu đồng bộ. Hiện một số hạng mục tại các khu dân cư như nhà vá lưới, trường mẫu giáo… phải dừng xây dựng do không có vốn.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau việc bố trí dân vào các khu dân cư đã giảm thiểu tình trạng phá rừng, hạn chế đáng kể hộ di cư tự do, đời sống dân vùng tái định cư được ổn định. Nhu cầu bố trí ổn định dân cư từ nay đến năm 2020 trên địa bàn Cà Mau là trên 6.500 hộ, trong đó bố trí dân cư thuộc đối tượng sạt lở cần di dời khẩn cấp là 1.000 hộ. Nguồn vốn cần để thực hiện là 260 tỷ đồng.
Trước khó khăn về vốn, UBND tỉnh Cà Mau cho biết đã kiến nghị với Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn để địa phương có điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án dân cư đã phê duyệt. Tiếp tục, có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ gia đình chính sách và hộ nghèo.
NGỌC CHÁNH