Cả một đời tận tâm với nghề

Lừng danh trong giới y khoa Việt Nam và quốc tế, nay đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng những cây đại thụ của ngành y - Giáo sư Trần Đông A, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng và Giáo sư Văn Tần - vẫn ngày ngày miệt mài tận tâm với công việc, hết lòng với ngành y tế TPHCM và cả nước.
Sẽ cống hiến cho y học đến hơi thở cuối
Gặp Giáo sư Trần Đông A trong một ngày cuối tháng 4, khi ông đang tất bật khám bệnh, tư vấn tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ấn tượng khi gặp ông là dù lớn tuổi nhưng ông vẫn minh mẫn và tinh anh. May mắn hiếm hoi gặp đúng ngày ông “có nhiều hơn một chút thời gian rảnh rỗi”, thế nên câu chuyện về ông, về những cống hiến cho y học nước nhà được ông kể lại trọn vẹn bằng chất giọng nhẹ nhàng và nụ cười hiền hậu.
Cả một đời tận tâm với nghề ảnh 1
Gắn bó với nền y khoa Việt Nam cùng những thăng trầm thời cuộc, vị bác sĩ quê Hải Hậu (Nam Định) đã ghi dấu ấn với những ca mổ dã chiến tại nhiều mặt trận trước khi về công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Giáo sư Trần Đông A đã làm thay đổi toàn bộ cái nhìn của thế giới về y học Việt Nam khi thực hiện ca tách cặp song sinh dính liền Việt - Đức, đây cũng chính là mốc son quan trọng của cuộc đời vị giáo sư này. Ông nhận được nhiều lời mời ra nước ngoài làm việc, nhưng ông đều từ chối và kiên quyết ở lại với câu nói khiến nhiều người xúc động: “Vì trẻ em Việt Nam cần tôi”.
Những cống hiến của Giáo sư bác sĩ Trần Đông A cho y học đã được thế giới biết đến. Ông cùng đoàn đại biểu quốc hội nước ta thăm Quốc hội Mỹ, rồi tham gia trong đoàn lãnh đạo cấp cao của Thủ tướng Phan Văn Khải thăm các nước Mỹ, Canada và Nhật… như một đại sứ của sự hòa hợp dân tộc. Ông đã chứng minh cho chính sách hòa giải dân tộc, đổi mới, hòa nhập của Việt Nam. Với gần 50 năm phục vụ trong nghề, Giáo sư Trần Đông A đã cống hiến hết mình để bù đắp những đau thương mất mát của nhân dân, hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại. Ông đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 
Ở tuổi 77, ông vẫn giữ nếp sinh hoạt ngủ sớm và thức dậy từ 3 giờ sáng để làm việc, nghiên cứu. Sau đó, ông đi tập thể dục, rồi tự chạy xe vào bệnh viện thăm bệnh, hỗ trợ hoặc trực tiếp cầm dao mổ những ca khó. Thậm chí, những ca ghép gan kéo dài hơn 10 giờ, ông vẫn túc trực điều phối, góp ý cho các bác sĩ của kíp phẫu thuật. Ngoài ra, một tuần ông có hai buổi lên lớp truyền nghề cho học trò. 
“Bà tiên” của những gia đình hiếm muộn
Giáo sư bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Du, dù nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn tất bật với những ca mổ theo yêu cầu ở bệnh viện. Bà vẫn cầm điện thoại tư vấn cho bệnh nhân, đi tặng quà cho trẻ em nhiễm chất độc da cam... Khi được hỏi, tại sao bà không dành thời gian cho mình, vui thú điền viên với con cháu, bà cười hiền: “Chừng nào bệnh nhân còn cần tôi, chừng đó tôi còn cống hiến”.
Cả một đời tận tâm với nghề ảnh 2
74 tuổi, mỗi tuần 5 ngày, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn đều đặn đi - về liên tục giữa bệnh viện và phòng khám. Điều làm bà trăn trở nhất hiện nay là mặc dù chi phí thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam được coi là rẻ nhất thế giới, nhưng vẫn còn quá cao so với đời sống kinh tế của người dân. Từ 4 năm trước, bà đã cùng với các bác sĩ tâm huyết khởi xướng chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” tại Bệnh viện Mỹ Đức, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho các cặp vợ chồng hiếm muộn vô sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sau 4 năm, đã có 120 cặp vợ chồng được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và đã có 48 em bé chào đời.
Cũng từ nhiều năm nay, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã tổ chức một nhóm bác sĩ và nữ hộ sinh giàu lòng nhân ái tới những vùng xa vùng sâu của các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và miền Trung để khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho hàng ngàn phụ nữ và trẻ em, mẹ Việt Nam anh hùng. Con người ấy, tấm lòng ấy, suốt một đời tận tụy phục vụ nhân dân như chưa bao giờ biết mệt mỏi. 
Như một bà tiên trong câu chuyện cổ, bằng tài năng và tâm sức của mình, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã trở thành ân nhân của những cặp vợ chồng hiếm muộn, mang mầm sống đến với nhiều gia đình.
Một tấm gương y đức
Từ hàng chục năm nay, Giáo sư Văn Tần vẫn đều đặn hàng ngày đến Bệnh viện Bình Dân từ 5 giờ sáng để thăm khám sức khỏe bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân ở buồng chăm sóc đặc biệt vừa trải qua cuộc đại phẫu…
Cả một đời tận tâm với nghề ảnh 3
Giáo sư Văn Tần gắn bó với Bệnh viện Bình Dân từ năm 1972. Đến nay, dù đã hơn 80 tuổi nhưng ông vẫn giữ thói quen đến thăm bệnh trước khi bước vào những cuộc họp giao ban y khoa. Ông cho biết, đến nay không thể nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu ca mổ cả thông thường lẫn đặc biệt, nhưng dù ở cương vị nào ông vẫn giữ thói quen thăm khám và dành đến sự ân cần thăm hỏi, sẻ chia cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Ông chưa cho phép bản thân nghỉ ngơi hoàn toàn vì người bệnh đang cần ông, đặc biệt là những ca mổ khó. Mặc dù đã ở tuổi nghỉ hưu, ông vẫn được ban lãnh đạo bệnh viện mời ở lại làm việc. 12 năm với vai trò cố vấn chuyên môn, ông vẫn luôn tìm cách cải tiến kỹ thuật và đề xuất, nghiên cứu và ứng dụng những kỹ thuật mới phù hợp với người bệnh, viết sách và làm công tác giảng dạy để truyền đạt kinh nghiệm cho những thế hệ tiếp theo.
Vị bác sĩ nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân luôn tâm niệm, còn sống ngày nào là cố gắng làm việc ngày đó. Ông là tấm gương y đức cho nhiều thế hệ y bác sĩ noi theo.

Tin cùng chuyên mục