Cá ngừ đại dương Việt Nam bị trả lại sau khi xuất khẩu do bị nhiễm vi sinh. Thế nhưng, đến thời điểm này, chuyện đảm bảo vệ sinh an toàn cho loại hải sản này vẫn còn bị xem nhẹ! Điều này còn đáng lo ngại hơn khi chúng ta đang đẩy mạnh xuất khẩu loại hải sản này vào những thị trường khó tính.
Cá ngừ đại dương, mặt hàng chủ lực xuất khẩu nhưng loay hoay tìm phương pháp bảo quản chất lượng.
Rã đông cá bằng nước bẩn
Tại cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vào lúc cao điểm có hàng chục tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng để bán cá. Tuy nhiên, ở đây lại chưa có một hệ thống nước sạch đúng nghĩa để rã đông cá trước khi được đưa ra khỏi hầm lạnh. Theo cách truyền thống bấy lâu nay, cá ngừ được đánh bắt, sau đó sẽ cấp đông bằng đá lạnh, khi về cảng, cá được rã đông để đưa lên bờ. Muốn rã đông cá, không có cách nào hiệu quả hơn là dùng nước để làm tan băng đá. Thế nhưng, với hàng tấn cá mỗi tàu khi cập cảng, lượng nước phải sử dụng để rã đông rất lớn. Trong khi đó, nước dùng rã đông cá ngừ đại dương phải là nước mặn, nước lợ đã qua thanh lọc, gọi là nước sạch. Nhưng nghịch lý, tại cảng cá Hòn Rớ - nơi có chợ cá lớn nhất Nam Trung bộ, cũng là nơi có nhiều tàu cá khai thác cá ngừ đại dương đổ về đây bán cá lớn nhất miền Trung, lại không có hệ thống chuyên dụng phục vụ rã đông cá ngừ đại dương.
Trước bức thiết của nhu cầu nước rã đông, ban quản lý cảng cá Hòn Rớ đã kiến nghị đầu tư hệ thống nước sạch trong thời gian tới. Hiện cảng Hòn Rớ đã được đầu tư 41 tỷ đồng để nâng cấp, trong đó có xây dựng hệ thống nước chuyên dùng cho rã đông cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, việc đáp ứng bao nhiêu phần trăm nhu cầu nước rã đông còn chưa được tính toán, đánh giá kỹ.
Chợ hải sản Nam Trung bộ nằm trong khuôn viên cảng cá Hòn Rớ hiện có khoảng 15 chủ vựa đăng ký thu mua cá ngừ đại dương xuất khẩu, trong đó có khá nhiều vựa chuyên thu mua để xuất sang Mỹ, Canada và một số nước châu Âu. Vào những ngày cao điểm, hàng loạt tàu cá cập cảng, nên việc chế biến hải sản ngay tại chợ cá gây ô nhiễm khá nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, trong quá trình sơ chế các loại hải sản ở đây, đặc biệt là sơ chế các loại cá mập, cá nhám… thì một lượng lớn nước thải từ chợ cá chảy trực tiếp xuống chân cầu cảng, khiến nước biển ở đây đen ngòm, bốc mùi thối nồng nặc. Khi các tàu câu cá ngừ đại dương cập cảng, ngư dân múc nước tại chân cầu cảng này để rã đông cá. Như vậy, việc cá bị nhiễm các loại vi sinh là điều rất dễ xảy ra. Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Công ty Hải sản Bền Vững (Nha Trang) cho biết: “Chuyện xuất khẩu cá ngừ bị trả lại hàng là điều mà nhiều doanh nghiệp từng gặp phải. Như doanh nghiệp tôi, cách đây 2 năm, lô hàng 20 tấn cá ngừ bị Cơ quan Quản lý chất lượng thực phẩm Mỹ (FDA) phát hiện nhiễm vi sinh Salmonella. Không những bị trả hàng về, gây thiệt hại nặng nề, công ty còn bị FDA liệt vào sách đỏ, yêu cầu kiểm tra gắt gao, lại không được ứng trước 50% giá trị lô hàng cho các lần xuất khẩu sau, dù cá không nhiễm khuẩn”.
Chưa được quan tâm đúng mức
Đánh bắt và xuất khẩu cá ngừ đại dương là một mắt xích quan trọng trong chiến lược của ngành thủy sản cũng như chủ trương tiến ra biển, làm giàu từ biển. Thế nhưng, việc quan tâm đến chất lượng mặt hàng này còn yếu, làm ảnh hưởng đến thương hiệu chung.
Theo thống kê, quý 2-2014, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 129,7 triệu USD, giảm hơn 7% so với quý 2-2013. Nguyên nhân sụt giảm này, một phần là vì thị trường xuất khẩu bị thu hẹp so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 91 nước trong khi năm ngoái là 95. Phần lớn số lượng cá sau thu hoạch không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu dưới dạng sản phẩm tươi có giá trị cao.
Xuất khẩu cá ngừ đã có từ hàng chục năm qua, nhưng đến nay chúng ta vẫn loay hoay tìm phương án bảo đảm chất lượng cá sau thu hoạch. Khi chất lượng cá chưa tìm được đáp số hoàn hảo, thì cá ngừ đại dương lại đứng trước nguy cơ nhiễm vi sinh chỉ vì lý do thiếu nước sạch. Vì thế, hơn bao giờ hết, việc có những hệ thống nước chuyên dùng để rã đông cá là cấp thiết.
VĂN NGỌC