Cà phê arabica Đà Lạt “trình làng” thế giới

Cà phê đặc sản
Cà phê arabica Đà Lạt “trình làng” thế giới

Hãng cà phê nổi tiếng Starbucks (Mỹ) vừa đồng ý đưa cà phê arabica xuất xứ từ Đà Lạt vào chuỗi hơn 21.000 cửa hàng nổi tiếng khắp thế giới. Đây là lần đầu tiên một loại cà phê trồng tại Việt Nam được Starbucks đưa vào kinh doanh trong chuỗi cửa hàng của mình.

Cà phê đặc sản

Arabica (cà phê chè) là giống cà phê có giá trị kinh tế cao, được trồng ở một số vùng trong nước, nhưng dòng arabica trồng ở Đà Lạt được đánh giá chất lượng hơn do thổ nhưỡng thuận lợi, biên độ nhiệt, sương phù hợp ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển. Cà phê arabica Đà Lạt có hương thơm thanh tao và tinh tế, được thị trường thế giới ưa chuộng. Tuy vậy, nhiều năm qua, vấn đề nan giải nhất vẫn là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cà phê cao cấp này. Ông Trần Như Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường (TP Đà Lạt), cho biết, xã có 1.400ha cà phê arabica, sản lượng hàng năm khoảng 6.000 tấn. Đa số sản phẩm khi xuất đi đều qua trung gian thứ ba, lợi nhuận của người trồng vì thế bị ảnh hưởng. Mặt khác, do chưa có thương hiệu nên hạt cà phê arabica Cầu Đất vẫn “lơ lửng” ngoài thị trường.

Nông dân Đà Lạt chăm sóc vườn cà phê arabica.

Trước những khó khăn trong khâu trồng và tiêu thụ sản phẩm, năm 2012, một số nông hộ tại Xuân Trường đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác cà phê Cầu Đất, trồng 16ha cà phê chè. Ông Võ Khanh, Tổ trưởng tổ hợp tác, chia sẻ: “Năm 2014, tổ hợp tác đã chủ động tìm nguồn tiêu thụ và xuất được sang Hàn Quốc, Pháp với 22 tấn nhân khô. Với cách thức xuất khẩu trực tiếp, nông dân thu về thêm 10% lợi nhuận, thay vì tốn khoản này qua khâu trung gian”. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít mô hình liên kết được triển khai tại Đà Lạt nhằm hướng nâng cao giá trị của cà phê arabica. Vì vậy, nông dân hết sức quan tâm khi thông tin cà phê arabica Đà Lạt được đưa vào chuỗi cửa hàng của Starbucks. Ông Nông Văn Khánh (người có 20 năm kinh nghiệm trồng cà phê arabica tại thôn Cầu Đất, xã Xuân Trường), phấn khởi: “Ít ngày trước nghe thông tin cà phê Arabica Đà Lạt được đưa lên kệ chuỗi cửa hàng của Starbucks, nông dân chúng tôi rất vui vì từ nay sản phẩm làm ra có cơ hội phân phối tại các cửa hàng cà phê danh tiếng trên thế giới, giá cả chắc cũng sẽ cao hơn”.

Tạo thương hiệu uy tín

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, vào thời điểm giá cà phê arabica lên cao 60.000 - 70.000 đồng/kg nhân khô, người trồng đã có lãi, nhưng thực tế nông dân thường chỉ được hưởng 10% - 15% giá trị. Khi vào chuỗi cửa hàng của Starbucks, cà phê arabica Đà Lạt đã rang được bán với giá 50USD/kg (hơn 1 triệu đồng). Chính vì vậy, sắp tới trung tâm sẽ đẩy mạnh phát triển nhiều mô hình liên kết trồng cà phê sạch, qua đó giúp nông dân gia tăng lợi nhuận, nhưng hơn cả là giúp cà phê arabica Đà Lạt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Chủ tịch UBND xã Xuân Trường Trần Như Dũng cho biết, cuối năm nay cà phê arabica Cầu Đất sẽ được đăng ký nhãn hiệu độc quyền để quảng bá thương hiệu, nâng tầm giá trị, đồng thời là cơ sở pháp lý trong vấn đề tranh chấp nhãn hiệu nếu có sau này.

Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, những khâu trực tiếp làm ra sản phẩm cà phê cũng phải biết giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, trước đây, nhiều nông hộ vẫn áp dụng phương thức “được ăn, thua chịu” nên ít đầu tư và khi gặp sâu bệnh, sương muối đã không có những giải pháp khắc phục kịp thời, do đó về lâu dài ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng chung của sản phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng một số người muốn thu lợi bất chính đã trộn lẫn cà phê arabica trồng từ vùng khác (vốn chất lượng thấp hơn) làm giảm giá trị, uy tín thương hiệu arabica Đà Lạt. Vì vậy, nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam phải làm ăn trung thực, giữ chất lượng sản phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn phía đối tác đặt ra.

ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục