Cà phê sách gồng mình tồn tại

Khoảng năm 2006, cà phê sách xuất hiện mang đến một lựa chọn mới cho những người thích sự yên tĩnh và yêu sách. Thế nhưng, cho đến nay, cà phê sách chẳng những không “vượt mặt” được với các mô hình quán cà phê khác mà còn mất dần vị thế.
Cà phê sách gồng mình tồn tại

Khoảng năm 2006, cà phê sách xuất hiện mang đến một lựa chọn mới cho những người thích sự yên tĩnh và yêu sách. Thế nhưng, cho đến nay, cà phê sách chẳng những không “vượt mặt” được với các mô hình quán cà phê khác mà còn mất dần vị thế.

Sự ra đi thầm lặng

Có lẽ không một thành phố nào ở nước ta lại thịnh cà phê như ở TPHCM. Đó cũng chính là lý do mà gần như trên bất cứ tuyến đường nào ở thành phố, chúng ta cũng tìm được những quán cà phê đẹp. Nhiều mô hình cà phê đã ra đời với đủ tên gọi như cà phê cóc, cà phê máy lạnh, cà phê sân vườn, cà phê sân thượng, cà phê DJ và có cả cà phê sách.

Thời gian đầu, cà phê sách được học sinh, sinh viên và giới văn phòng coi như điểm đến lý tưởng bởi không gian yên tĩnh, ấm cúng và không “đụng” hàng. Là một trong những quán đầu tiên ở TPHCM, cà phê sách Bố Già (Hồ Huấn Nghiệp, quận 1) hay cà phê sách Phương Nam (chi nhánh đường Lê Duẩn, quận 1) một thời trở thành tâm điểm của đông đảo giới trẻ thành phố. Kế đó là sự ra đời của hàng loạt quán cà phê sách và có sự phân loại khách hàng rõ rệt. Nếu như các quán cà phê sách ở trung tâm thành phố như Ciao Book (Ngô Đức Kế, quận 1) chủ yếu là khách nước ngoài, cà phê sách Phương Nam (Trần Hưng Đạo, quận 5) phù hợp với giới văn phòng thì cà phê SnowBell (Đoàn Thị Điểm, quận Phú Nhuận) được trang trí đơn giản nhưng đậm tính nghệ thuật. Ở đó có tủ sách phong phú, nhiều thể loại, đáp ứng thị hiếu của nhiều khách hàng. HUB Cafe (Cộng Hòa, quận Tân Bình) với hơn 10.000 đầu sách, luôn đáp ứng được nhu cầu của những người yêu sách hay cà phê Sống Chậm (Trần Quốc Thảo, quận 3), Nina Book (D3, quận Bình Thạnh), Đom Đóm (Nguyễn Thiện Thuật, quận 3), Bom cà phê sách (Tô Hiến Thành, quận 10) lại phù hợp với học sinh, sinh viên. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, cà phê sách trở nên ế ẩm, nhiều quán lặng lẽ đóng cửa như cà phê sách Bố Già, Snowbell, Sống Chậm, Imagine hay những quán nằm gần nhiều trường đại học như cà phê sách Phương Nam (Lê Duẩn, quận 1), Nina Book, Bom…

Nhiều khách hàng chọn quán cà phê sách để lướt web

Chị Trần Nguyễn Hải An, người vừa quyết định đóng cửa cà phê Nina Book cho biết: “Cà phê sách không phù hợp cho các cuộc gặp gỡ, trò chuyện mà dành cho người yêu sách, thích sự yên tĩnh nên các nhóm bạn hạn chế chọn cà phê sách làm điểm đến, chỉ còn lại những vị khách thích ngồi một mình để chìm đắm vào từng trang sách. Khách dạng như vậy không nhiều và chỉ tập trung vào cuối tuần nên nhiều quán không trụ nổi”. Trong khi đó, nhiều người còn cho rằng cà phê sách không cạnh tranh được với thời của internet và mạng xã hội, khi chỉ cần đem smartphone vào quán cà phê là có thể đọc đủ loại truyện trên mạng.

Thay đổi để thu hút

Trong khi các “ông lớn” trong lĩnh vực cà phê sách dần rút lui, số còn lại căng mình tự thay đổi để thu hút khách hàng. Hiện Huy Hoàng Bookstore Cafe được coi là quán cà phê sách lớn nhất, lấy sách làm chủ đạo, tầng trệt và lầu 1 được sử dụng để mở nhà sách, lầu 2 được trang trí để làm quán cà phê. Khách hàng tới Huy Hoàng Bookstore Café tha hồ lựa sách từ các giá sách để lên lầu 2 tận hưởng không gian yên tĩnh, mát mẻ bên ly cà phê và những trang sách. Trong khi đó, có quán chỉ sử dụng sách để trang trí như cà phê sách Bình Yên (Lê Lợi, quận 9) lại tồn tại nhờ hương vị đồ uống ngon, lạ. Còn cà phê Mylife (đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận) lại được khách tìm đến bởi những tối giao lưu âm nhạc. “Tôi thường tới cà phê Mylife bởi nơi đây có những bản tình ca nhẹ nhàng hay buổi tối có đàn hát. Tôi thấy khách tới đây chủ yếu dùng laptop hoặc điện thoại bởi ánh sáng trong quán khá yếu. Hơn nữa, sách không được đầu tư, chọn lọc và thấy chủ quán muốn dùng sách để trang trí hơn là để phục vụ khách”, Đặng Bảo Trân (sinh viên Trường Đại học Ngoại thương) chia sẻ.

Trong khi đó, cà phê sách Đom Đóm (Nguyễn Thiện Thuật, quận 3) kết hợp với các hoạt động từ thiện, cà phê Ylife (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) chỉ dành cho những người mê truyện tranh. Đặc biệt, trong khi nhiều quán cà phê sách mất tích trên thị trường thì Chiêu cà phê sách (Hoàng Sa, quận 1) lại mở rộng tới 4 chi nhánh. Dù không gian mỗi quán đều nhỏ và vị trí khá gần nhau nhưng Chiêu vẫn có được lượng khách cố định. Khách hàng đến với Chiêu lại thích thú với phong cách phục vụ cũng như chính cái không gian nhỏ, tuy nằm trên con phố đông người qua lại mà vẫn vô cùng yên tĩnh.

HẢI THU

Tin cùng chuyên mục