Nghe tin ca sĩ Y Moan bị ung thư di căn giai đoạn cuối, vừa mổ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, gọi điện cho Siu Black, chị bảo mới vào thăm Y Moan. Anh vẫn tỉnh táo, nói chuyện rôm rả, sức vóc vẫn không xuống mấy. Nhưng Y Vol - con trai anh, cho biết gia đình vừa đưa anh về TP Buôn Ma Thuột và thời gian sống chỉ còn tính từng ngày...
Tôi nhớ lần đi công tác Đắc Lắc năm 2006, Y Moan lúc đó vẫn trong biên chế Đoàn Ca múa Đam San. Anh say sưa đệm đàn hát Ơi Mơ Đrắc (Nguyễn Cường), Đi tìm lời ru mặt trời (Y Phôn K’sor)... khiến khán phòng tưởng như vỡ tung. Nhiều lần nghe anh hát ở Hà Nội, rồi Sài Gòn, nhưng giữa cái nắng, cái gió cao nguyên, tiếng hát anh dường như bay xa hơn, thấm sâu hơn.
Y Moan đã góp phần thổi bùng ngọn lửa tình yêu với dải đất đỏ bazan này trong tim người nghe, dù họ ở phương trời nào. Mỗi lần anh hát, “tiếng hát cao nguyên như lời xưa vọng về” ấy vẫn luôn có sức quyến rũ kỳ lạ. Mạnh mẽ. Dâng trào. Nồng nàn và cháy bỏng khát khao…
Hát cho bà con nghe, Y Moan có thể hát liên tục cả chục bài. Càng hát càng sung. Năm 2001, trong lần đi diễn ở Đắc Nông, anh ho ra máu phải cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy và bị “tuyên án” “rách màng phổi” cùng với lời cảnh báo của bác sĩ. Rồi nguôi ngoai, lại thấy anh cùng đoàn diễn phục vụ ở các bản làng Tây Nguyên. Vẫn đốt thuốc lá liên tục. Vào Nam, ra Bắc “hát giữa mọi người không ngại ngần”. Nhưng đến lúc đôi lá phổi không chịu nổi nữa, anh đổ bệnh thật sự từ cuối năm ngoái. Hai chân phù nề không đi lọt giày, lên sân khấu cũng phải mang dép...
Nhớ ngày vào thăm anh sau khi vợ chồng con cái dọn về nhà mới chưa được bao lâu ở buôn Thah Prong - cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột chưa đến 5km. Nhà mái bằng rộng rãi, thoáng mát. Cạnh bên là ngôi nhà làm theo kiểu nhà dài của người Êđê, nhỏ hơn và có khung đỡ bằng sắt. Anh bày những chiếc chiêng quý nhiều kích cỡ cùng nhiều vật dụng trong sinh hoạt lao động sản xuất và văn hóa tinh thần của người Ê Đê, giống như bảo tàng thu nhỏ. Anh bảo, chiêng, trống... là một phần không thiếu trong những ngày vui của gia đình, của buôn làng. Anh và bạn bè lai rai bên ché rượu cần, vừa đánh chiêng, vừa hát. Giọng hát tuôn trào như thác, có lúc lại như tiếng suối chảy róc rách hòa trong tiếng chuông ngân, quyện trong gió và vang vọng…
Lần gặp ấy, anh khoe, mỗi năm anh cùng đồng nghiệp ở Đoàn Ca múa Đam San biểu diễn khoảng 80 chương trình phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng… Anh rất ít khi nhận show riêng, “chỉ khi anh em bạn bè muốn tìm hiểu về văn hóa của đồng bào tôi, của dân tộc tôi, mời tôi, tôi mới hát”. Y Moan cũng có nhiều dịp ra nước ngoài biểu diễn. “Tôi được đặt chân đến nhiều nơi trên đất nước và nhiều dịp đi biểu diễn ở nước ngoài. Tôi không nói được ngôn ngữ của nơi đến và không hiểu phong tục tập quán ở vùng đất đó, nhưng âm nhạc luôn là tiếng nói chung kéo mọi người xích lại gần nhau”, anh tâm sự.
Thi thoảng gặp con trai cả của anh là Y Vol ở Hà Nội, Vol bảo: “Bố em nghỉ hưu, thi thoảng vẫn đi hát. Khi rảnh, bố thường qua Đoàn Đam San chơi”. Y Vol và em trai Y Garia đều tốt nghiệp ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Vợ chồng Y Moan dựng nhà cho con trai Y Garia cạnh bên nhà mình. Y Vol hiện đầu quân cho một công ty xây dựng ở Hà Nội, sau những năm đi hát nhưng cát-sê không đảm bảo cuộc sống cho gia đình nhỏ ở Hà Nội. Cô út H’Drehdel học xong phổ thông dự định theo con đường âm nhạc của bố và các anh.
“Tôi như con chim lạc bay trên trời cao
Tôi như con thú hoang lang thang trong rừng sâu
Như dòng sông khao khát lời
Tôi như hạt mưa không có lời...”, Y Moan đã đốt cháy mình rừng rực trong những câu hát ấy. Con chim muốn bay. Con thú muốn lang thang rừng sâu. Dòng sông muốn chảy. Nhưng chàng Đam San mải miết đi tìm lời ru ấy sau hơn 30 năm đi hát đang phải chống chọi với những cơn đau. Y Moan vẫn luôn tin rằng: “Khi nào tâm hồn và con người mình không thuộc về đồng bào thì mình mới là con chim lạc bầy”. Ở tuổi 53, đứa con của Tây Nguyên ấy vẫn còn muốn hát nhiều, hát nữa...
HOÀNG THẮNG