Cá tra Việt Nam bị “đánh hội đồng”

Thủy sản đã trở thành ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn với 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra, dự kiến năm 2010 đạt mức 5 tỷ USD, so với kế hoạch là 4,5 tỷ USD. Ngành hàng này đã có sự tăng tốc khá ấn tượng ngay khi Việt Nam tham gia vào thị trường thủy sản thế giới nên hai mặt hàng này đã và đang bị các nước đưa ra nhiều quy định kỹ thuật, một dạng hàng rào phi thuế quan, nhằm tạo ra hết rào cản này đến rào cản khác để hạn chế sự xâm nhập thị trường nhờ có sức cạnh tranh mạnh so với những sản phẩm cùng loại ở nước sở tại.

Theo thông tin mới nhất, tiếp sau con cá tra và cá rô phi, WWF (Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới) đã xếp con tôm Việt Nam vào danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011, điều đó có nghĩa là khuyến cáo người tiêu dùng nên chuyển qua sản phẩm khác.

Thật ra những thông tin theo kiểu này không còn là điều mới đối với nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đầu năm 2000, tiếp sau con tôm bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá, kế đến là con cá tra, ba sa Việt Nam cùng chung số phận. Từ đó đến nay, một loạt tiêu chuẩn mới về dư lượng kháng sinh và hóa chất ngày càng khắt khe được quy định như Chloramphenicol trong tôm, Malachite green trong cá tra, dư lượng Trifluralin trong tôm, cá…

Vừa qua, để tính toán chi phí giá thành nguyên liệu cá tra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đột ngột thay đổi quốc gia thay thế của Việt Nam (do chưa được thừa nhận là nền kinh tế thị trường) từ Bangladesh thành Philippines dẫn đến kết quả sơ bộ tăng cao một cách vô lý khi DOC dựa vào số liệu 36 ao nuôi cá (tổng sản lượng 12 tấn cá) tại Philippines mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào về việc ngành cá tra Philippines đã được cải thiện, phù hợp hơn Bangladesh mà DOC đã liên tục sử dụng làm giá trị thay thế đối với cá tra Việt Nam 5 năm qua. Trong khi Việt Nam có ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất trên thế giới (trên 1,2 triệu tấn nguyên liệu/năm) lại phải đối chiếu với Philippines có diện tích nuôi cá tra rất nhỏ, sơ khai, giá thành cao.

Theo nhận định của nhiều người, con cá tra Việt Nam đã và đang bị các nước “đánh hội đồng”. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, khi cá tra Việt Nam xuất hiện ồ ạt ở thị trường nào là y như rằng sau đó, một loạt thông tin xấu về mặt hàng này xuất hiện trên phương tiện thông tin tại chỗ. Gần đây, báo chí châu Âu đưa tin, quy trình nuôi cá tra, basa của Việt Nam “đang có vấn đề”, và một số báo cho rằng cá tra, basa nuôi tại Việt Nam và đem bán tại Anh là do người “nô lệ” sản xuất.

Trước đó, bài chỉ trích của một chính trị gia ở châu Âu và bài báo chống cá tra trên kênh truyền hình Today của Mỹ nói rằng cá tra Việt Nam được nuôi bằng cầu tõm! Báo chí Tây Ban Nha, Ý, Ai Cập… trước đó cũng đã có những bài viết bôi nhọ hình ảnh về chất lượng cá tra Việt Nam với người tiêu dùng.

Nhưng với việc WWF đưa tên cá tra vào danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 tại một số nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch là một diễn biến mới nhất mà nhiều người cho rằng, tổ chức này đã bị hiệp hội của các nước nhập khẩu muốn bảo hộ sản phẩm nội địa chi phối, sau khi sử dụng các rào cản kỹ thuật tỏ ra không hiệu quả. Bởi cá tra là một trong những loài thủy sản luôn được người tiêu dùng Âu - Mỹ lựa chọn trong các bữa ăn gia đình do chất lượng an toàn với giá cả phải chăng.

Vì vậy, về lâu dài, để chặn đứng những thông tin xấu kiểu này, chính chúng ta cũng cần xem xét lại việc liên kết chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp này nói xấu doanh nghiệp kia, giảm giá bán để giựt khách hàng. Về cơ bản, cần quy hoạch vùng nuôi rõ ràng, quản lý chặt về quy trình nuôi, không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng và môi trường. Điều này rất quan trọng, các nước nhìn vào thái độ của nhà nước về hành lang bảo vệ môi trường đánh giá và điều quan trọng hơn là tập trung việc xây dựng cho được hình ảnh con cá tra Việt Nam không chỉ ngon, an toàn mà còn thân thiện với môi trường.


ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục