Ngày chất vấn cuối cùng tại Quốc hội:

Các Bộ trưởng đều nhận sai sót và trách nhiệm

Các Bộ trưởng đều nhận sai sót và trách nhiệm

Ngày 16-6, Quốc hội tiếp tục chất vấn 4 thành viên Chính phủ gồm Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân. Những vấn đề bức xúc nhất của cử tri cả nước được nhiều đại biểu chất vấn là thực trạng tiền giả hiện nay, chất lượng công trình xây dựng, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nguyên nhân những thiệt hại trong cơn bão số 1.

  • Thống đốc Ngân hàng Nhà nước LÊ ĐỨC THÚY: Chỉ có 4% tiền polymer bị làm giả

Một vấn đề được các đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình), Nguyễn Thị Việt Nhân (Kiên Giang), quan tâm khi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy là những thông tin xung quanh việc phát hành tiền polymer và tiền xu. Đại biểu Lê Quốc Dung cho rằng, hiệu quả của việc phát hành các loại tiền này ra sao khi mà tiền polymer chỉ mới xuất hiện trên thị trường đã bị làm giả, trong khi đó tiền xu có chất lượng vào loại kém nhất so với tiền xu các thời đại.

Các Bộ trưởng đều nhận sai sót và trách nhiệm ảnh 1
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực trả lời chất vấn.

Thống đốc Lê Đức Thúy cho biết, chi phí in tiền polymer gấp 2 lần in tiền trên giấy cotton cùng mệnh giá nhưng độ bền cao gấp từ 2 lần trở lên và có khả năng chống làm giả cao hơn hẳn. Trước những thông tin cho rằng tiền polymer dễ bị nhòe, Thống đốc cho biết, ông đã từng làm thí nghiệm khi giải trình với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về loại tiền làm bằng nguyên liệu này và cho biết, các loại tiền dù in trên giấy polymer hay cotton in nổi thì khi dính nước đều phai mực, ngay tiền đôla Mỹ cũng xảy ra hiện tượng tương tự.

Về tiền giả, Thống đốc Lê Đức Thúy thừa nhận, sau khoảng 1 năm phát hành tiền polymer, trên thị trường đã xuất hiện tiền giả, song các loại tiền giả này dễ nhận biết so với tiền polymer thật. “Trên thế giới không có đồng tiền nào là không bị làm giả”, Thống đốc Lê Đức Thúy nói. Cũng theo ông Thúy, trong số các loại tiền giả mà Ngân hàng Nhà nước thu hồi thì có đến 96% tiền bị làm giả là tiền làm bằng giấy cotton, và chỉ có 4% là làm bằng polymer.

Trước đánh giá của đại biểu Dung về tiền xu, Thống đốc Lê Đức Thúy, đặt câu hỏi rằng đánh giá như vậy chưa khách quan. Thống đốc giải thích, chỉ có mệnh giá 1.000 và 2.000 là chất lượng kém còn các loại khác đều chất lượng tốt.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng thừa nhận thiếu sót, việc các loại tiền mệnh giá trên xỉn màu là do đã lâu chưa đúc tiền xu và chưa đánh giá hết việc phát hành chất liệu làm các loại mệnh giá này trong điều kiện môi trường Việt Nam. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã có kiểm điểm và có phương án khắc phục.

  • Bộ trưởng Bộ Xây dựng NGUYỄN HỒNG QUÂN: Công trình làm hỏng thì bỏ tiền túi ra đền!

“Tại sao công trình Nhà nước xây dựng so với công trình của nhân dân thì giá thành cao mà chất lượng kém. Tại sao đã có các quy định giám sát chặt chẽ nhưng vẫn có các công trình xây dựng lãng phí, bị rút ruột?”, đại biểu Néang Kim Cheng (An Giang) truyền đạt chất vấn của cử tri với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khi đề cập chất lượng các công trình xây dựng.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đánh giá như vậy không hoàn toàn đúng và nêu ví dụ về 13 ngôi nhà sập đổ ở chợ Mới (tỉnh An Giang) vừa qua đều là do dân xây dựng. Tuy nhiên, ông thừa nhận, đồng tiền của người dân thì họ chịu trách nhiệm, phải giữ, nên người dân sẽ quản chặt hơn và cũng có chuyện công trình xây dựng của Nhà nước thì chất lượng kém hơn. Ban quản lý mà giữ tiền của Nhà nước thì như ta hay nói là “tiền chùa”, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Trong việc xây dựng nhà tái định cư, nếu làm nhà cho người khác ở do không phải chịu trách nhiệm đến sản phẩm cuối cùng, là dễ xảy ra những sơ hở như vậy.

Theo Bộ trưởng, để khắc phục tình hình chất lượng của công trình, thì phải quy trách nhiệm cụ thể, làm hỏng phải đền: “Nếu tôi thuê anh, anh làm cho tôi, mà anh làm hỏng của tôi thì anh rút tiền trong túi ra đền. Đấy là chế tài tốt nhất!”.

Trước đây trong pháp luật của chúng ta không có bảo hiểm, bây giờ là mua hết rồi, quan hệ đền và bồi thường này xảy ra nhiều, kể cả công trình lớn, kể cả nước ngoài xây dựng trên đất nước ta, nước ngoài cũng phải đền, như cầu Thanh Trì vừa qua, khi thi công cọc nhồi hỏng thì phải bỏ tiền ra đền, phải làm lại.

  • Bộ trưởng Bộ TN-MT MAI ÁI TRỰC: Chưa thể nói trước khi nào cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực: Tại kỳ họp thứ 5 của QH (tháng 6-2004), Bộ trưởng đã hứa với Quốc hội và cử tri là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được hoàn thành trong năm 2005. Nhưng đến nay, mới có 31/64 tỉnh, thành phố triển khai cấp được trên 80% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào và đến bao giờ thì “lời hứa” của Bộ trưởng được thực hiện?

Bộ trưởng Mai Ái Trực trả lời rằng, việc để tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm là “khuyết điểm của chúng tôi”. Nguyên nhân chậm là “do cơ chế, chính sách và cả tổ chức bộ máy của chúng ta còn yếu kém”. Theo ông, bộ máy đã có những tiêu cực. “Trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân (chậm) là trách nhiệm của UBND các địa phương” - ông khẳng định. Bởi vì, “tại sao cùng 1 cơ chế, chính sách, nhưng có địa phương cấp cơ bản hoàn thành, mà những địa phương khác lại cấp được rất thấp”.

Trả lời về trách nhiệm của Bộ trưởng, ông Mai Ái Trực đã thẳng thắn: “Nếu hỏi đã làm tròn trách nhiệm chưa thì chưa làm tròn nhiệm vụ. Bởi vì không thể nói đã hoàn thành trách nhiệm nếu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa xong”. Tuy nhiên, Bộ trưởng tâm sự, “tôi không thể nói lúc nào hoàn thành, đặc biệt là với đất ở. Bởi vì, đất ở gắn với nhà ở theo Luật Nhà ở. Mà tôi không phải là người lo về Luật Nhà ở. Tôi không đổ cho bộ khác, ngành khác, nhưng trách nhiệm của tôi tới đâu thì cũng phải nói như vậy”.

Nhưng đại biểu Phan Trung Lý chưa bằng lòng và cho rằng, nguyên nhân khiến việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm là do liên quan đến việc đóng tiền, nộp tiền về quyền sử dụng đất, lệ phí hoặc phí hiện nay... Bộ trưởng Mai Ái Trực trả lời rằng, những vướng mắc về các khoản thu, tiền sử dụng đất, phí, lệ phí... thì Bộ TN-MT không quản lý những khoản như vậy. Bộ TN-MT chỉ có trách nhiệm phối hợp”.

  • Bộ trưởng Bộ Thủy sản TẠ QUANG NGỌC: Tôi nhận khuyết điểm trong vụ cơn bão số 1

Trong phần “truy vấn” Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, đại biểu Nguyễn Lân Dũng đi thẳng vào sự kiện vẫn còn nóng bỏng và đau xót là thảm họa trong cơn bão số 1 (Chanchu) của nhiều ngư dân. Ông Dũng đặt câu hỏi rằng, trước đó Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực đã trả lời không biết có ngư dân trong vùng bão khi dự báo bão. Vậy sự phối hợp giữa Bộ Thủy sản và Bộ TN-MT ra sao? Và trách nhiệm của Bộ trưởng Thủy sản như thế nào?

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc thẳng thắn nhận trách nhiệm khi nhắc lại rằng Chính phủ đã giao cho trách nhiệm của Bộ Thủy sản phải lo đảm bảo an toàn cho ngư dân khi khai thác trên biển. Tuy nhiên, Bộ trưởng đã không trả lời về việc phối hợp giữa Bộ Thủy sản và Bộ TN-MT trong kiểm soát và quản lý hoạt động của ngư dân trên biển để dự báo bão kịp thời.

Cũng liên quan đến cơn bão số 1, đại biểu Trần Đắc Sửu (Hải Phòng) nêu tiếp câu hỏi: “Tại sao các nạn nhân của cơn bão số 1 lại không có phao cứu sinh?”. Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc thừa nhận đây là thiếu sót, do việc giáo dục, vận động cũng như đưa ra chế tài buộc ngư dân phải sử dụng áo phao của Bộ Thủy sản chưa mạnh.

Chưa hài lòng, đại biểu Nguyễn Xuân Dương (Bình Định) “truy”: đề nghị Bộ trưởng phải nói rõ trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào sau cơn bão Chanchu? Đại biểu Dương không đồng tình với việc Bộ trưởng Ngọc cho rằng ngư dân có khuyết điểm là chỉ liên lạc về gia đình mà không liên lạc với cơ quan có trách nhiệm; đặc biệt là việc Bộ trưởng cho rằng thông tin về vụ tai nạn, Bộ trưởng biết sau các cơ quan khác. Bộ trưởng Ngọc thừa nhận, để xảy ra những khuyết điểm, sai sót trên là do “việc hướng dẫn của chúng tôi chưa cụ thể, sâu sắc. Tôi xin nhận khuyết điểm về việc này”.

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN VĂN AN: Các phiên chất vấn khá thẳng thắn và trách nhiệm
“Nhìn chung, các phiên chất vấn diễn ra khá thẳng thắn và sôi nổi, thể hiện tinh thần trách nhiệm vì mục đích chung. Các vị ĐBQH đã có nhiều cố gắng, có trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với cử tri, đưa ra nhiều câu hỏi đúng với những vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, một số vấn đề nổi cộm đã được làm sáng tỏ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều câu hỏi còn dài, chưa đi vào bản chất, thiên về dẫn giải, có những câu chất vấn chưa thật rõ ý, phạm vi quá rộng khiến người trả lời khó mà nói gọn được”.
“Các vị bộ trưởng, trưởng ngành đều cố gắng thể hiện trách nhiệm trước những vấn đề mà đại biểu nêu ra, chỉ ra những vấn đề trì trệ, kém hiệu quả, chưa làm được và nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Song cũng có vị bộ trưởng trả lời tuy dài nhưng chưa thật “trúng” vấn đề, khiến đại biểu chưa hài lòng và hỏi tiếp. Một số Bộ trưởng chưa tách bạch được trách nhiệm của Bộ và trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng. Chính điều này khiến nhiều đại biểu cho rằng Bộ trưởng né tránh trách nhiệm cá nhân. Tôi nhận được ý kiến nhiều ĐBQH và dư luận cử tri khen Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực, và Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình. Đó là những vị bộ trưởng đã trả lời rất thẳng thắn, rõ ràng, và đặc biệt là đã nhận phần trách nhiệm cá nhân của mình rất dứt khoát…”.


Ý kiến cử tri TPHCM
Xin đừng đổ lỗi cho nhau!

Lai Thị Mỹ Hạnh, Công ty BOT An Sương- An Lạc
Ai chịu trách nhiệm những tiêu cực vừa qua?

Chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ đơn giản là giải quyết những vấn đề bức xúc, bất cập mà nó còn thể hiện năng lực, trách nhiệm và đạo đức của người lãnh đạo. Là người có tâm, sâu sát ngành mình, lĩnh vực mình quản lý và thẳng thắn, trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã khiến phiên chất vấn trở thành diễn đàn thu hút mọi người. Ngược lại, chỉ vấn đề “trách nhiệm về cơn bão Chanchu”, qua 3 ngày chất vấn hết Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản… vẫn không “ra” được người có trách nhiệm!? Ngay cả việc “chạy chức, chạy quyền” là chuyện ai cũng biết thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ vẫn vô tư “phủi” trách nhiệm vì “bộ chỉ là cơ quan tham mưu không có quyền quyết”! Vậy ai chịu trách nhiệm trong toàn bộ những tiêu cực vừa qua? Tôi rất mong các vị lãnh đạo ngành đứng trước toàn thể nhân dân, hãy nhìn lại mình, đừng đổ lỗi cho nhau.

Bùi Ngọc Minh, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn
Lại “rút kinh nghiệm sâu sắc”!

Tôi chưa thỏa mãn với cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc. Khi đại biểu chất vấn về công tác phối hợp trong việc xây dựng mạng thông tin, phục vụ cho ngành đánh bắt xa bờ, ông bộ trưởng lại “tỉnh rụi” khi cho rằng việc phối hợp ấy rất cần đến những “nghĩa cử” (tức là hiến kế) của đồng bào! Bộ Thủy sản là đơn vị có trách nhiệm chính trong việc xây dựng mạng thông tin phục vụ cho ngành đánh bắt xa bờ chứ không phải là “ngồi đó chờ hiến kế”. Khi trả lời về trách nhiệm của mình trong những thiệt hại do cơn bão Chanchu gây ra, ông bộ trưởng chỉ nhấn mạnh về việc “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Theo tôi, chừng nào các ông bộ trưởng còn “rút kinh nghiệm sâu sắc” trong các phiên chất vấn thì khi đó cử tri vẫn còn bức xúc.

Trần Văn Đông, giáo viên Trường PTTH Nguyễn Khuyến, TPHCM
Không thể trả lời kiểu “huề cả làng”!

Tôi không thể chấp nhận khi Bộ trưởng Mai Ái Trực, sau một hồi vòng vo lý giải về nguyên nhân của việc trì trệ trong cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, lại kết luận một câu gây rất nhiều thất vọng: “Chỉ có thể cố gắng thúc đẩy, chứ không thể đưa ra cụ thể một thời hạn nhất định hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở”. Cố gắng là cố gắng làm sao, cố gắng đến mức độ nào, có gì đánh giá, định lượng được không? Kiểu nói “huề cả làng” như thế thì ai mà chẳng nói được.

BẢO - PHÚC - MY

Tin cùng chuyên mục