(SGGPO). - Ngày 10-9, để chủ động và sẵn sàng ứng phó trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9 lan rộng và xâm nhập vào nước ta, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện và Sở Y tế các tỉnh thành trong cả nước chỉ đạo tăng cường khám, phát hiện sớm các ca bệnh viêm phổi nặng không rõ nguồn gốc, các chùm ca bệnh, chụp X- Quang, lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán, phát hiện kịp thời các ca nhiễm virus cúm A/H7N9.
Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly, phương tiện phòng hộ cá nhân và tổ chức việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9 đúng quy định, hạn chế tử vong. Củng cố nguồn nhân lực đã được đào tạo về điều trị cúm A tại các khoa hồi sức cấp cứu, hô hấp, truyền nhiễm và kiểm soát nhiệm khuẩn.
Để đảm bảo điều trị kịp thời, chính xác và hạn chế tử vong do cúm A/H7N9 gây ra, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế cũng đã họp để xem xét và thông qua phác đồ điều trị cúm A/H7N9. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, mặc dù tới thời điểm này, cả nước chưa ghi nhận có bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 nhưng nguy cơ loại virus đặc dị này xâm nhập vào nước ta là rất cao.
Đáng lo hơn, những thông tin từ phía cơ quan y tế Trung Quốc cho thấy, virus cúm A/H7N9 là loại virus nguy hiểm, có độc lực cao với tỷ lệ tử vong lên tới 70%. Bệnh nhân nhiễm virus cúm A/H7N9 có diễn biến viêm phổi nhanh hơn bệnh nhân cúm H5N1 cùng với tổn thương tim, thận và hoại cơ.
Trong khi đó, Bộ Y tế đã xếp cúm A/H7N9 là dịch nguy hiểm nhóm A cùng với cúm A/H5N1. Đây là những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, phát tán rộng, tỉ lệ tử vong cao. Do đó, các ca nghi nhiễm virus cúm A/H7N9 sẽ được điều trị cách ly nghiêm ngặt, phương tiện phòng hộ theo tiêu chuẩn của bệnh tối nguy hiểm.
Tính đến hết ngày 9-4, số người được xác định dương tính với virus H7N9 ở Trung Quốc đã lên tới 28 người, trong đó 9 người đã tử vong. Riêng tại Thượng Hải có tới 13 trường hợp nhiễm H7N9, trong đó 5 người tử vong. Ngoài ra, tại các địa phương khác của Trung Quốc như Giang Tô, An Huy, Chiết Giang cũng ghi nhận lẻ tẻ một số người mắc và tử vong do cúm A/H7N9. Tuy nhiên, đến nay WHO vẫn khẳng định không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người dù chưa xác định nguồn gốc của sự lây nhiễm virus này.
Liên quan tới ca tử vong đầu tiên do cúm A/H5N1 trong năm 2013 tại nước ta vào đầu tháng 4, Cục Y tế dự phòng xác nhận ca tử vong này là một bé trai 4 tuổi (ngụ xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh - Đồng Tháp). Điều tra dịch tế cho biết, trước đo,ù trong khi bị cúm cháu bé có ngồi xem người thân việc giết mổ gà.
Trước nguy cơ dịch A/H5N1 đang tái phát, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu tỉnh Đồng Tháp và các địa phương khác tăng cường giám sát, không để dịch này bệnh lây lan.
KHÁNH NGUYỄN
>> Sẵn sàng ứng phó dịch cúm A/H7N9
>> Khẩn cấp phòng chống virus cúm A/H7N9
>> Chim di trú mang virus H7N9 đến Trung Quốc >> Trung Quốc thông qua thuốc mới điều trị cúm gia cầm H7N9