Các chương trình bình ổn thị trường tăng nguồn hàng, ổn định giá

Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, sau 3 tháng triển khai các chương trình bình ổn thị trường năm 2013 và Tết Nguyên đán 2014 đối với các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp (DN) đã chủ động kế hoạch tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, chấp hành tốt quy định trong chương trình, thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong điều phối, đảm bảo cung - cầu thị trường.
Các chương trình bình ổn thị trường tăng nguồn hàng, ổn định giá

Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, sau 3 tháng triển khai các chương trình bình ổn thị trường năm 2013 và Tết Nguyên đán 2014 đối với các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp (DN) đã chủ động kế hoạch tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, chấp hành tốt quy định trong chương trình, thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong điều phối, đảm bảo cung - cầu thị trường.

        Doanh thu các chương trình tăng cao

Theo các DN, trong những tháng đầu năm, giá cả nguyên vật liệu đầu vào có mặt hàng tăng nhưng cũng có không ít loại ổn định và giảm nhẹ. Chính nhờ vậy công tác phát triển nguồn hàng cung ứng cho chương trình đang diễn ra khá thuận lợi.

Về lượng hàng bán ra sau 3 tháng thực hiện chương trình, mặc dù không tăng cao như mong muốn nhưng với nỗ lực ổn định giá cả, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá, đã thúc đẩy sức mua đối với các mặt hàng bình ổn tăng khá cao. Cụ thể, đối với chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm, doanh thu trong tháng 6-2013 đạt 813,5 tỷ đồng, tăng 6,15% so tháng cùng kỳ năm 2012. Lũy kế 3 tháng đầu chương trình đạt 2.447,38 tỷ đồng, tăng 8,66% so cùng kỳ. Trong số 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tham gia bình ổn thì có 2 nhóm hàng vượt kế hoạch là rau-củ-quả (137,2%) và thực phẩm chế biến (122,5%), các mặt hàng còn lại đạt xấp xỉ so với chỉ tiêu kế hoạch.

Với chương trình bình ổn các mặt hàng mùa khai giảng, do đang bước vào cao điểm sản xuất, kinh doanh và mùa khai trường đã cận kề nên sức mua đối với 3 nhóm mặt hàng đang tiếp tục tăng cao. Tại nhiều cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các DN như Hương Mi, Minh Tiến và Trương Vui… vào các ngày cuối tuần, nhiều mẫu mã mới cung ứng không đủ cho nhu cầu mua sắm. Để kích cầu tiêu dùng, tại hầu hết các siêu thị, nhà sách, cửa hàng giới thiệu sản phẩm đối với 3 nhóm mặt hàng bình ổn gồm đồng phục học sinh; tập vở; ba lô, cặp và túi xách đều giảm giá bán từ 15% - 20% tùy mặt hàng. Tính chung, doanh thu lũy kế các tháng đầu chương trình đạt 62,211 tỷ đồng, tăng 6,43% so cùng kỳ năm 2012.

Thu hoạch rau đạt chuẩn VietGap tại huyện Hóc Môn phục vụ cho các siêu thị, cửa hàng bình ổn giá tại TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Thu hoạch rau đạt chuẩn VietGap tại huyện Hóc Môn phục vụ cho các siêu thị, cửa hàng bình ổn giá tại TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Riêng chương trình bình ổn các mặt hàng sữa, trong bối cảnh giá sữa nhập ngoại hiện đang đứng ở mức rất cao thì việc các DN trong chương trình cam kết ổn định giá sữa đến hết năm đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với sữa nội. Doanh thu lũy kế 3 tháng đầu chương trình đạt 182,53 tỷ đồng, tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk có 2/5 nhóm hàng vượt kế hoạch gồm nhóm sữa bột dành cho người cao tuổi và người bệnh (181,5%) và nhóm sữa bột dành cho người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường (118,8%); 3/5 nhóm hàng còn lại đạt xấp xỉ kế hoạch. Tương tự, Công ty CP Nutifood có 2/5 nhóm hàng vượt kế hoạch gồm nhóm sữa bột dành cho trẻ em (447,5%) và nhóm sữa bột dành cho người cao tuổi và người bệnh (541,6%).

        Phát triển 525 điểm bán hàng bình ổn mới

Theo Sở Tài chính, kể từ ngày đầu thực hiện chương trình bình ổn năm 2013 (ngày 1-4-2013) đến nay, sở đã thực hiện 4 đợt điều chỉnh giá bán các mặt hàng, trong đó có 3 đợt giảm và 1 đợt tăng giá. Theo đó, nhóm các mặt hàng được điều chỉnh gồm trứng gia cầm, dầu ăn, gạo và đường. Các mặt hàng khác giá ổn định.

Nhìn chung việc điều chỉnh giá bán được thực hiện theo quy định của chương trình rất linh động, kịp thời trên nguyên tắc đảm bảo tính hợp lý, có khả năng chi phối thị trường, dẫn dắt thị trường và hỗ trợ DN đảm bảo có lãi. Bên cạnh đó, các DN cũng thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Bên cạnh việc tăng cường nguồn hàng, ổn định giá bán, các DN cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển điểm bán. Tổng số điểm bán của 4 chương trình tính đến ngày 30-6-2013 là 7.412 điểm bán, tăng 483 điểm so đầu chương trình bình ổn năm 2013, tăng 3.410 điểm so đầu chương trình 2012 và tăng 7.168 điểm so năm 2008. Trong số đó, chỉ tính riêng chương trình lương thực, thực phẩm đã có 3.127 điểm bán, tăng 65 điểm so với ngày 1-4-2013, gồm 106 siêu thị, 405 cửa hàng tiện lợi, 815 điểm bán tại 128 chợ truyền thống và 1.801 điểm bán trong khu dân cư. Các DN có tốc độ phát triển nhanh điểm bán gồm Saigon Co.op tăng 27 điểm (2 siêu thị, 8 Co.op Food, 17 cửa hàng Co.op), Satra phát triển thêm 5 cửa hàng Satrafood, Vissan tăng 10 cửa hàng, nước mắm Liên Thành tăng 10 điểm,...

Mục tiêu từ nay đến cuối chương trình bình ổn năm 2013, TPHCM sẽ phát triển ít nhất 525 điểm bán, trong đó có ít nhất 5 siêu thị, 37 cửa hàng tiện lợi, 30 cửa hàng Co.op, 7 cửa hàng liên kết phụ nữ. Mặt khác, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch số 4374 ngày 15-5-2013 về việc tổ chức bán hàng lưu động năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014. Theo đó, Sở tiếp tục phân chia các DN trong chương trình thành 3 nhóm bán hàng lưu động do Liên hiệp HTX Thương mại TP, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty TNHH Ba Huân làm đơn vị chủ lực.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Tổ Công tác bình ổn thị trường sẽ tăng cường đi thực tế kiểm tra việc tạo nguồn hàng để cung ứng cho thị trường, phát triển điểm bán. Đây cũng là dịp để các sở, ngành chức năng nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó đề xuất với UBND TP để tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

HẢI HÀ – THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục