Các công trình phòng thủ dân sự cần được tính toán kỹ để tránh lãng phí

Có 4 cấp độ phòng thủ dân sự, trong đó cao nhất là cấp độ 4 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.
Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại tổ chiều 1-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại tổ chiều 1-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 1-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS), Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Về Luật PTDS, theo tờ trình của Chính phủ, dự án luật nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về PTDS...

Theo dự thảo, cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PTDS là tổ chức phối hợp liên ngành về PTDS. Cơ quan chỉ đạo quốc gia PTDS được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo PTDS quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy PTDS ở cấp bộ ngành Trung ương và các cấp địa phương. Chính phủ quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo quốc gia PTDS; cơ quan chỉ huy PTDS cấp bộ ngành; cơ quan chỉ huy PTDS địa phương.

Các công trình phòng thủ dân sự cần được tính toán kỹ để tránh lãng phí ảnh 1 ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Quỹ PTDS được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh. Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường bảo đảm quỹ hoạt động không chồng chéo, linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.

4 cấp độ PTDS, gồm: cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, không có khả năng lan sang địa phương khác; cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, không có khả năng lan sang địa phương khác; cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng lan rộng; cấp độ 4 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.

Các công trình phòng thủ dân sự cần được tính toán kỹ để tránh lãng phí ảnh 2 ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) . Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận về dự án, các ĐBQH đều tán thành sự cần thiết của luật để nâng cao năng lực PTDS. Đây là lần đầu tiên dự án Luật PTDS trình Quốc hội để khắc phục thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh, hậu quả chiến tranh. ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, qua đại dịch Covid 19, chúng ta huy động lực lượng rất lớn từ công an, dân sự, cho đến các khối dân chính đảng, đó là một việc chưa có tiền lệ. Hiện nay, chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều loại sự cố, đặc biệt là về thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất, kể cả những sự cố tiềm tàng như về hóa chất, phòng cháy chữa cháy, rất nhiều vấn đề có thể xảy ra thảm họa lớn. Với mục tiêu phải bảo vệ bằng được những hoạt động của nền kinh tế, sự an toàn cuộc sống của người dân, nên Luật PTDS là hết sức cần thiết. 

Một số ý kiến cho rằng, 4 cấp độ PTDS phải được đánh giá đúng, vì nếu đánh giá nhẹ thì gây chủ quan, không phòng bị tốt, mà đánh giá cao quá mức cần thiết thì gây lo lắng, hoang mang, việc chuẩn bị sẽ tốn kém, do đó phải đánh giá đúng mức.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu ý kiến, cần quy định rõ thẩm quyền về thông tin trong các trường hợp ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, nhất là trong tình trạng khẩn cấp, thông tin cần theo hướng minh bạch. ĐB lấy ví dụ thông tin về dịch Covid-19, nếu kịp thời thì sẽ hạn chế được việc lây lan từ nơi này sang nơi khác.

ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM) cho rằng, PTDS ngoài các lực lượng chủ lực khác thì vai trò của địa phương rất quan trọng, do đó cần quy định, khi địa phương xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội cần gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. “Trong thời bình, các công trình PTDS cần được tính toán kỹ để tránh lãng phí.

PTDS thì hợp tác quốc tế rất quan trọng, vì ở các nước phát triển, dự báo về thiên tai thảm họa, dịch bệnh rất tốt, chúng ta cần tăng cường hợp tác với họ”, ĐB Nguyễn Tri Thức nói thêm. Bên cạnh đó, về quỹ PTDS, dự thảo nêu tổ chức, cá nhân có quyền quyên góp, nhưng ĐB Nguyễn Tri Thức cho rằng, cần quy định rõ để bảo đảm quyên góp công khai minh bạch, hết sức tránh việc lùm xùm trong quyên góp quỹ như thời gian qua.

 ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng tán thành có luật PTDS để có hành lang pháp lý điều chỉnh chung cho lĩnh vực này, tạo thành sức mạnh phòng thủ đất nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ để sát thực tiễn, tránh chồng chéo, khi đi vào thực hiện không còn những lúng túng. Các công trình PTDS phải bảo đảm yêu cầu lưỡng dụng, vừa bảo đảm phục vụ phát triển kinh tế xã hội vừa phải bảo đảm an ninh quốc phòng.

ĐB Lại Văn Hoàn (Thái Bình) nhất trí với quy định các cơ quan nhà nước có quyền huy động con người và tài sản của doanh nghiệp tham gia ứng phó sự cố. Tuy nhiên dự thảo chưa làm rõ tính chất bắt buộc của việc huy động này. “Trên thực tế, nhiều trường hợp nhà nước cần sử dụng các nguồn lực của người dân, doanh nghiệp nhưng chỉ ở mức độ kêu gọi tự nguyện, khi đó nếu người dân doanh nghiệp từ chối tham gia, thì pháp luật có chế tài không, chế tài như thế nào, điều này cần làm rõ”, ĐB Lại Văn Hoàn nêu.

Tin cùng chuyên mục