Hội nghị tập trung vào những nội dung: Tuyên tuyền phổ biến về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về an toàn thông tin; Phổ biến các kỹ năng để đảm bảo an toàn thông tin và tự bảo vệ thông tin môi trường mạng; khả năng chủ động đấu tranh, phòng chống những thông tin và luận điệu tiêu cực, độc hại trên internet; khai thác sử dụng internet một cách hiệu quả, thiết thực; kinh nghiệm và giải pháp đảm bảo an toàn thông tin…
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, những năm gần đây, tình hình mất an toàn thông tin trên thế giới cũng như ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhất là các cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp lớn, các hình thức tấn công ngày càng tinh vi, có chủ đích và có sự chuẩn bị với thời gian dài, mức độ nguy hiểm không chỉ đánh cắp thông tin mà còn mang tính phá hủy dữ liệu, lừa đảo, tống tiền người dùng… Các vụ tấn công mạng không chỉ đe dọa trực tiếp đến các hoạt động và tài sản cá nhân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hệ thống hạ tầng mạng của quốc gia…
Theo đó, vào tháng 12-2017, Bkav thực hiện chương trình đánh giá an ninh mạng và cho thấy mức thiệt hại tại Việt Nam đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, tội phạm mạng gây ra tổng thiệt hại lên tới 200 tỷ USD mỗi năm. Đối với Việt Nam thiệt hại do virus máy tính gây ra lên tới 12.300 tỷ đồng, vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng của năm 2016.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia công nghệ thông tin, lưu ý nhiều người sử dụng mạng xã hội và đưa thông tin cá nhân lên mạng, nhưng không kiểm soát được. Chính điều này là những dữ liệu rất tốt cho “tin tặc” tấn công vào một hệ thống cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để đảm bảo an toàn an ninh mạng, cần nâng cao nhận thức sử dụng mạng xã hội, kỹ thuật nhận biết những email có vấn đề… Đối với các tổ chức, các doanh nghiệp… cần đào tạo nhân viên về kỹ năng, nhận thức an ninh mạng nhằm chủ động ứng phó.